Một sản phẩm như thế nào được gọi là Hàng được sản xuất tại Việt Nam? Liệu trên sản phẩm có dòng chữ Made in Vietnam đã được coi là hàng Việt Nam hay chưa? Và sản phẩm phải hội đủ những tiêu chuẩn gì mới được gắn lên mình dòng chữ Made in Vietnam? Một câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại không hề dễ để có câu trả lời thấu đáo.
Thực ra câu chuyện này bắt đầu từ tuyên bố của Ông Myoung, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khi ông này mong muốn được gọi là doanh nghiệp quốc dân Việt Nam.
Ngay sau đó, một đại diện của Bộ Công thương có cho rằng, sau 6, 7 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn thế nào là hàng Việt Nam.
Để trả lời vấn đề này, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã khẳng định "Samsung là hàng Việt Nam".
Theo quan điểm của ông Quyền, Samsung hay những doanh nghiệp FDI khác có sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đều là hàng Việt Nam.
Theo ông Quyền, hàng Việt Nam hoặc hàng hóa thương hiệu Việt đã có định nghĩa chính thức tại Tài liệu tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Theo đó, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Còn hàng hóa thương hiệu Việt là hàng hóa do các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.
Cùng bình luận về câu chuyện này, chương trình Vấn đề hôm nay đã mời tới trường quay chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh. Theo ông Vũ Đình Ánh, sau gần 7 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, khái niệm hàng Việt Nam vẫn chưa được luật hóa và bị sử dụng khá dễ dãi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.