Căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo đã bỏ lỡ cơ hội được sửa chữa, duy tu. 2 nạn nhân xấu số cũng không còn cơ hội để nói về dấu hiệu trước khi căn nhà bị sập. "Trách nhiệm thuộc về ai, thuộc về cơ quan nào?" là câu hỏi mà hầu hết các tờ báo đều đặt ra. Còn người dân sống trong và xung quanh các căn biệt thự tương tự như 107 Trần Hưng Đạo đang lo lắng không biết có cần phải mua thêm bảo hiểm cho mình hay không.
Sau vụ việc xảy ra vừa qua, PV VTV đã liên hệ với các Sở, ngành liên quan của TP Hà Nội nhưng vẫn chưa có được câu trả lời chính thức về việc "Biệt thự cổ Hà Nội được quản lý như thế nào?". Chiều 23/9, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi chính quyền các tỉnh, thành phố Trung ương về việc rà soát các công trình có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng. Chỉ đạo lúc này là cần thiết nhưng như thường lệ, chỉ đạo vẫn đến sau khi các sự cố xảy ra.
Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước nhìn thấy trước những nguy cơ này, có sự quan tâm đúng mức và kịp thời trước những bức xúc của người dân thì 2 mạng người sẽ không phải chịu oan uổng, 1 biệt thự cổ mang dấu ấn của lịch sử văn hóa đã không thành một đống gạch vụn.
Trong khi đó, người Pháp dù chẳng còn trách nhiệm với những căn biệt thự cổ tại Việt Nam vài năm trước nhưng vẫn gửi thư thông báo về tuổi thọ và khuyến cáo cần có biện pháp đối với các công trình kiến trúc này.
Có lẽ những nhà bảo tồn là người xót xa nhất về sự việc đáng tiếc vừa qua ở căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo hay hiện trạng tại nhiều căn biệt thự cổ khác. Chương trình Vấn đề hôm nay ngày 23/9 với sự tham gia của Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - một chuyên gia về di sản và trùng tu - đã có những chia sẻ xung quanh các vấn đề trên.
Trong phần quốc tế, vấn đề được chương trình lựa chọn bình luận là: "Cuộc khủng hoảng di cư - thách thức lớn nhất đối với Liên minh châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ II".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!