Vì sao đường sắt Bắc - Nam vẫn dậm chân tại chỗ?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 16/07/2019 06:15 GMT+7

VTV.vn - Dù có bề dày lịch sử hơn 100 năm nhưng đường sắt Việt Nam vẫn chưa được đầu tư thích đáng, dẫn tới việc quá lạc hậu so với các loại hình vận tải còn lại.

32 tỷ USD là con số chênh giữa hai mức đề xuất từ Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Với khối lượng chuyên chở lớn, chi phí vận tải thấp và độ an toàn cao, đường sắt đã được nhiều quốc gia xây dựng thành trục phát triển kinh tế xã hội cho đất nước. Đường sắt Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 100 năm nhưng không được đầu tư thích đáng và hiện quá lạc hậu so với các loại hình vận tải còn lại như hàng không hay đường bộ, không thể đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Trong khi đó, áp lực đường bộ ngày càng gia tăng, chi phí cao, độ an toàn thấp, tuy nhiên, không còn quá nhiều sự lựa chọn.

Một số giải pháp đã được đưa ra, đó là phát triển hệ thống đường sắt theo hướng tốc độ cao. Mặc dù vậy, 10 năm từ khi có đề xuất này, đường sắt vẫn dậm chân tại chỗ.

Tháng 2/2019, Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó, đề xuất phương án đường sắt tốc độ thiết kế 350 km/h với tổng vốn 58,7 tỷ USD. Phân kỳ đầu tư các đoạn Hà Nội - Vinh và Vinh - Nha Trang xây dựng trước năm 2032, còn lại hoàn thành trước năm 2050, trong đó, vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân chiếm 20%

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ý kiến các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư dự án 58,7 tỷ USD sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển. Cụ thể, các dự án đầu tư khác phải đình hoãn để tập trung vốn cho đường sắt tốc độ cao trong 30 năm và lâu hơn nữa. Toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao chỉ chở khách thì không giải quyết được tình hình vận tải hàng hóa để giảm chi phí vận tải. Bộ cũng cho biết, theo số liệu đánh giá của Đức và Hà Lan, tốc độ chạy tàu 200 km/h là hiệu quả, tổng mức đầu tư khoảng 26 tỷ USD, thời gian lưu thông Bắc - Nam khoảng 8 giờ là hợp lý.

Dự án đặc biệt cần những tranh luận thẳng thắn để đi đến phương án tối ưu bởi đây là dự án không chỉ có suất đầu tư vô cùng lớn, thời gian thực hiện kéo dài vài chục năm mà còn tác động sâu sắc tới người dân, tới địa phương nơi nó đi qua.

Ngày 11/7, Thủ tướng đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ Giao thông Vận tải trình. Tuy nhiên, người dân kỳ vọng vào sự lột xác của ngành đường sắt khi tuyến đường sắt 1 m già nua lạc hậu, tốc độ chậm, chỉ chạy được 8 đôi tàu hàng/ngày đêm vẫn hàng ngày ì ạch Bắc - Nam.

Trong khi vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt được cho là thấp hơn hàng không và đường bộ thì hiện đường sắt chưa làm được nhiệm vụ này. Chi phí logistics của Việt Nam cao một cách bất thường, chiếm 21% GDP, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, gần gấp đôi các nước trong khu vực và gấp 4 đến 6 lần của các nước phát triển như Nhật Bản, Canada và Hoa Kỳ, làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hoá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước