Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là một dự án đặc biệt quan trọng của đất nước cả về kinh tế, xã hội và chính trị, kéo dài từ Lạng Sơn tới Cà Mau. Trong khi nguồn vốn ODA và vốn ngân sách khó khăn, đường cao tốc Bắc - Nam trông chờ vào nguồn vốn từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài theo hình thưc PPP.
Tuy nhiên, người dân lo ngại về việc làm thế nào để bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ, cuối cùng đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém và ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra việc này.
120.000 tỷ đồng là số vốn cần đến để thực hiện xây dựng Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có chiều dài 654 km đã được Quốc hội thông qua. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó, 3 dự án sẽ đầu tư công với 55.000 tỷ đồng là vốn Nhà nước. Như vậy, 8 dự án còn lại sẽ đầu tư theo hình thức PPP với nguồn vốn cần huy động ngoài ngân sách là gần 64.000 tỷ đồng.
Sẽ phải tiến hành đầu thầu cạnh tranh quốc tế công khai, minh bạch. Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết đây là dự án giao thông lớn với tổng mức đầu tư trên 120.000 tỷ đồng, vì thế, việc lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm năng không đơn giản. Tuy nhiên, để có được nhà đầu tư hợp lý nhất, hiệu quả nhất có thể sẽ kéo dài thêm thời gian đấu thầu và dứt khoát nói không với chỉ định thầu.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đến tìm hiểu cơ chế triển khai dự án. Theo các nhà phân tích, đây là những nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ tiến hành đấu thầu cả 2 phần, Kỹ Thuật và Giá, để tìm được nhà đầu tư hợp lý nhất.
Song song với việc bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cũng tiến hành sơ tuyển các nhà đầu tư quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Để đảm bảo minh bạch, hợp lý trong lựa chọn các nhà đầu tư tham gia hợp tác công tư, Bộ đã hợp đồng với các đơn vị giao dịch quốc tế để rà soát, kiểm định các nhà đầu tư tham gia dự án. Bên cạnh đó, việc sơ tuyển còn có sự giám sát của 4 Bộ liên quan đến đầu tư dự án.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang cùng các Bộ liên quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế hợp lý cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện luật PPP để tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư.
Rút kinh nghiệm từ rất nhiều dự án BOT, PPP đã thực hiện ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với dự án cao tốc Bắc - Nam. Vấn đề thu hút nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài không phải là dễ, đặc biệt với các nhà đầu tư có chất lượng cao. Nhiều dự án đã không thu hút được vốn ngoại do khung pháp lý chưa hoàn thiện. Vì thế, cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật PPP bởi các văn bản ở tầm nghị định, thông tư hiện nay kêu gọi nhà đầu tư rất khó khăn.
Cao tốc Bắc - Nam là công trình tiêu biểu, do đó, con đường này cần phải là một dự án chất lượng cao, bền vững, bảo đảm các yêu cầu chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là bảo đảm về an ninh, quốc phòng. Muốn được vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư nào sẽ là quyết định vô cùng quan trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!