Không một công trình nào ở Hà Nội, đặc biệt là trong các quận nội thành, lại không được dư luận quan tâm bởi Hà Nội là trái tim của cả nước và có một hệ thống các di tích dày đặc, mang hồn cốt của người Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Chính vì thế, dự án đường sắt đô thị rất được quan tâm.
Đã có khá nhiều kiến trúc sư, nhà văn hóa lên tiếng và thậm chí Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị xem xét một số thiết kế của dự án.
Dự án này có tên gọi là dự án đường sắt đô thị tuyến 2 giai đoạn 1 có tổng chiều dài 11,5km chạy theo hướng Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Tuyến đường sắt này có 3km trên cao và 8,5km đi ngầm, bao gồm 10 nhà ga từ C1 đến C10. Trong 10 nhà ga này, nhà ga ngầm số 9 gọi là ga C9 đang gây tranh cãi nhiều nhất.
Theo đó, với phương án này, nhà ga có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Hầm nhà ga ngầm C9 sẽ chỉ cách chân Tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân Tháp 1m. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Hoàn Kiếm chỉ 10m, tới đền Bà Kiệu là 83m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ là 120m.
Từ trái qua phải: nhà báo Đức Hoàng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm và ông Nguyễn Cao Minh.
Liên quan đến việc đặt ga tàu điện ngầm gần Hồ Gươm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: "Không nên nhại lại một phong cách kiến trúc nào và cũng đừng đưa ra kiến trúc quá mới ảnh hưởng đến di sản, cảnh quan chung".
Trong khi đó, trước những lo ngại ga ngầm C9 sẽ ảnh hưởng đến di sản văn hóa, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lại cho rằng: "Công trình hầm đường sắt đô thị và ga ngầm C9 không vi phạm Luật Di sản văn hóa, không gây ảnh hưởng, sụt lún các công trình di sản".
Quý vị và các bạn có thể theo dõi chi tiết cuộc trao đổi của nhà báo Đức Hoàng và hai vị khách mời qua chương trình Vấn đề hôm nay sau đây:
Vấn đề hôm nay - 10/9/2018