Bài học biến công trình di sản thành sản phẩm công nghiệp văn hóa độc đáo

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 19/11/2024 13:20 GMT+7

VTV.vn - Sự thành công của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đã cho thấy tiềm năng trong việc biến các không gian di sản trở thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa độc đáo.

Trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Bắc Bộ Phủ là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng đến tham quan và trải nghiệm. Bởi đây cũng là lần đầu tiên, không gian kiến trúc độc đáo này mở cửa đón khách tham quan trong dịp Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội. Trong 9 ngày diễn ra lễ hội, hàng trăm hoạt động sáng tạo trên các lĩnh vực như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh và quảng cáo đã diễn ra dọc theo 7 công trình di sản lịch sử của Hà Nội. Sự thành công của Lễ hội thiết kế sáng tạo lần thứ 4 đã cho thấy tiềm năng thực sự của Hà Nội trong việc biến các không gian di sản trở thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa độc đáo, đặc sắc và chuyên nghiệp.

Công ty du lịch đã thiết kế 6 tour có độ dài từ 30 phút đến 8 tiếng trải nghiệm, tại từng điểm di tích hoặc xuyên suốt các điểm trên "Giao lộ sáng tạo". Tại mỗi điểm, người tham quan được hướng dẫn viên dẫn dắt theo lộ trình được thiết kế theo chủ đề và giới thiệu thêm những câu chuyện thú vị lần đầu được kể đằng sau mỗi di sản từ nơi ươm mầm sáng tạo Cung Thiếu nhi, đến Bắc Bộ Phủ, Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp… Nhiều địa điểm tưởng như quen thuộc, lại ẩn chứa những câu chuyện, những giá trị bất ngờ. 

Sau 9 ngày tổ chức (từ 9 - 17/11), Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 với chủ đề "Giao lộ sáng tạo" đã thu hút khoảng 300.000 lượt người dân và du khách tham dự. Đây là số lượng người tham dự nhiều nhất từ trước đến nay đối với một lễ hội sáng tạo tại Hà Nội. Bằng cách lựa chọn những không gian di sản độc đáo của thành phố và thổi vào đó chất liệu sáng tạo, nghệ thuật làm tôn lên vẻ đẹp, sự giàu có, đa dạng và bề dày lịch sử của các công trình. Sự thành công của việc thu hút người tham gia, cũng như việc du khách sẵn sàng mua tour đến các điểm đến quen thuộc, cho thấy tiềm năng của việc khai thác các giá trị di sản văn hóa của Hà Nội để trở thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa hấp dẫn, có thể khai thác lâu dài trong tương lai.

Với ba trụ cột Thiết kế - Sáng tạo - Cộng đồng, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, cộng đồng trở thành chủ thể của Lễ hội. Họ không chỉ đến tham quan, trải nghiệm mà còn tương tác, hòa nhịp với các hoạt động, sự kiện. Không chỉ có hoạt động xây dựng các tour trải nghiệm khám phá, những chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đường phố tại các điểm "Giao lộ di sản" Hà Nội thu hút đông đảo người dân và du khách. gợi mở cho thành phố về việc kiến thiết những di sản kiến trúc thành không gian sáng tạo hấp dẫn cho cộng đồng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô.

Để phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, việc khai thác, phát huy tối đa sức mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nhân lực là nguồn vốn, nguồn tài nguyên quan trọng của công nghiệp văn hóa. Và Lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội chính là một trong những cơ hội tốt để giới nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo cũng như nhân lực của lĩnh vực này phát huy khả năng của mình và đẩy mạnh liên kết. 

Triển lãm Ý tưởng thiết kế sáng tạo trong khuôn khổ lễ hội năm nay. Hơn 40 ý tưởng của các bạn trẻ đã được gửi về nhằm tạo ra những giải pháp đột phá cho hạ tầng, văn hoá, môi trường của thủ đô trong tương lai. Nhiều ý tưởng trong đó đến từ các em sinh viên của các trường thuộc các ngành của thiết kế sáng tạo. Được tham gia một sự kiện đúng với chuyên môn, họ học được thêm nhiều kiến thức trong lĩnh vực của mình. Điều đặc biệt của không gian triển lãm này là những ý tưởng đã được trưng bày một cách sống động, những bạn trẻ khi tới đây hoàn toàn có thể tương tác và có thêm những cảm hứng phục vụ cho công việc, học tập của mình.

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay tiếp tục là nơi quy tụ các tài năng sáng tạo trẻ của Thủ đô. Từ các công trình kiến trúc, các cuộc trưng bày - triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động cộng đồng, tọa đàm - hội thảo... đều có dấu ấn của những người sáng tạo trẻ. Nhiều ý tưởng độc đáo đã được ứng dụng. Tòa nhà Đại học Tổng hợp với tuổi đời gần 100 năm tuổi có 25 tác phẩm nghệ thuật tương tác, trong đó có 2 tác phẩm được ứng dụng công nghệ video Mapping và AI. Bên cạnh vòm trần được xử lý độc đáo bởi công nghệ ánh xạ video kết hợp chuyển động, bức tranh "Thăng Đường nhập thất" nổi tiếng cũng đã được dựng lại qua công nghệ AI, giúp bức tranh như được sống lại thời kỳ huy hoàng của mĩ thuật Đông Dương. 

Trong quá trình phát triển Thành phố sáng tạo nói riêng, công nghiệp văn hóa Thủ đô nói chung, việc đào tạo nguồn nhân lực của công nghiệp văn hóa luôn được quan tâm, đặt vào trung tâm của nhiều hoạt động, bởi đây là một nguồn lực sáng tạo tiềm năng, dồi dào. Các hoạt động sáng tạo được tổ chức còn nhấn mạnh vai trò của giới trẻ tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.

Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước có một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Những sự kiện như Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức thường niên chính là chất xúc tác để công nghiệp văn hóa thủ đô phát triển, đồng thời thể hiện cam kết của Hà Nội với UNESCO khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới.

“Tôi nghĩ một trong những giá trị lớn của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội là việc nó đóng vai trò như chìa khóa mở ra một số khả năng về không gian di sản mà vốn các không gian này khó tiếp cận với đông đảo khán giả. Thứ hai là nó mở ra cơ hội về hợp tác công tư, điều đó có nghĩa là phải có cơ chế thí điểm để các bên có thể thử nghiệm làm việc hợp tác với nhau”, giám tuyển Vân Đỗ - Trưởng nhóm Nghệ thuật tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 cho biết.

Thành phố đã chuẩn bị các điều kiện ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội nhằm kết nối các đơn vị tổ chức cá nhân, chuyên gia, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo, từ đó tăng cường thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, bước đầu hình thành trung tâm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Và những ý tưởng như thế này sẽ tiếp tục được phát triển để tạo dựng công nghiệp sáng tạo thủ đô nói riêng và cả nước. 

Đầu tư sản phẩm văn hóa ẩm thực Hà Nội dưới góc độ di sản Đầu tư sản phẩm văn hóa ẩm thực Hà Nội dưới góc độ di sản

VTV.vn - Các chuyên gia đề xuất Hà Nội cần nhìn nhận ẩm thực dưới góc độ di sản để quy hoạch, đầu tư xây dựng các sản phẩm văn hóa ẩm thực có trọng tâm, trọng điểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước