Với nhiều lợi thế, thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như một động lực cho phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là thành phố cần phải làm gì để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với những lợi thế sẵn có? Để trả lời câu hỏi này, mới đây Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa thể thao của thành phố, mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư theo phương thức đối tác công tư. 23 dự án trong lĩnh vực văn hóa thể thao, với khoảng 25.000 tỷ đồng được kêu gọi đầu tư, trong đó có những dự án quy mô lớn.
Trong 23 dự án kêu gọi đầu tư ở thành phố Hồ Chính, có 5 dự án có tính khả thi cao sẽ được ưu tiên thực hiện trước, gồm Trung tâm văn hóa thành phố quận 1, Trung tâm Văn hóa thể thao đa năng tại huyện Cần Giờ, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật lao động A-B quận 5, Nhà hát Gia Định. 18 dự án còn lại được thành phố mời gọi nhà đầu tư quan tâm cùng nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư hiệu quả. Những băn khoăn của nhà đầu tư đã được đặt ra, đặc biệt là chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 98.
Nghị quyết số 98 của Quốc hội về Thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã mở ra cho địa phương nhiều cơ chế chính sách mới, tạo đà cho thành phố tăng tốc phát triển. Việc xúc tiến các dự án đầu tư văn hóa thể thao theo hình thức đối tác công tư chính là một trong những chính sách hiện thực hóa Nghị quyết này.
Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa đối với tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP và sự phát triển kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lớn. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 17.600 hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa. Nếu năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 36.000 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số này đã tăng gấp hơn 2 lần, chiếm gần 3,9% tổng sản phẩm GRDP của thành phố, cao hơn mức trung bình của cả nước. Các lĩnh vực công nghiệp văn hóa mà thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Phấn đấu đến năm 2030, nâng mức đóng góp của công nghiệp văn hóa lên khoảng 5,7% vào GDP.
Các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ là những ngành kinh tế sáng tạo mà còn phản ánh đời sống tinh thần phong phú và sức vươn của một thành phố đang đổi mới mạnh mẽ như thành phố Hồ Chí Minh. Những ngành này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn bồi đắp phát triển những giá trị văn hóa với sức quảng bá mạnh mẽ. Sự kết hợp giữa tầm nhìn chiến lược, cơ sở hạ tầng hiện đại và những chính sách khuyến khích đầu tư sẽ tạo nên nền móng vững chắc để công nghiệp văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh phát triển, đóng góp tích cực vào sự vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!