Những ngày qua, Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh đã đưa vào sử dụng vài năm nay bỗng nhiên trở thành đề tài tranh luận trên báo chí và các diễn đàn mạng xã hội. Những ý kiến bình phẩm xoay quanh các nội dung như nhà hát sử dụng đồ gỗ tự nhiên không thân thiện với môi trường, chi phí đầu tư tốn kém, thiết kế xấu, và cuối cùng là liệu có cần thiết có một nhà hát cho quan họ hay không?
Câu chuyện này đã đặt ra vấn đề về cách nhìn nhận, đánh giá các thiết chế văn hóa cũng như cách mà nghệ thuật truyền thống tồn tại trong đời sống đương đại. Đây cũng là là chủ đề của Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 27/5.
Năm 2019, Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh được đưa vào sử dụng như một trong những giải pháp gìn giữ di sản này cho muôn đời. Công trình có qui mô 4 tầng, sức chứa gần 400 khán giả. Với thiết kế kiến trúc độc đáo cách điệu theo hình tượng mái đình, thuyền rồng, dải lụa đào và nón quai thao, mang đậm nét văn hóa vùng đất Kinh Bắc. Bên trong khán phòng nhà hát có 341 ghế gỗ được chế tác dưới bàn tay của các nghệ nhân làng nghề Đồng Kỵ. Gỗ sử dụng là loại gõ đỏ nhập từ Nam Phi với kinh phí 6,3 tỷ đồng.
Mỗi cuối tuần, nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh đều tổ chức những buổi biểu diễn miễn phí phục vụ người dân và du khách. Từ một sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với các làng xã nay đưa vào nhà hát, cách làm này đã chứng minh được hiệu quả bằng một khán phòng kín chỗ và những tràng pháo tay của khán giả.
Tháng 4 vừa qua Hội đồng giám khảo Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023 đánh giá kiến trúc nhà hát sáng tạo, khá ấn tượng, sức biểu cảm sâu sắc, và vinh danh công trình này với giải Bạc hạng mục Kiến trúc công cộng.
"Công trình hiện đại nhưng các chi tiết kiến trúc, một số ngôn ngữ tỷ lệ khai thác yếu tố dân tộc, các chi tiết đưa vào công trình khá hợp lý. Một số ý kiến cho rằng thiết kế nhà hát này khác với Nhà hát lớn và nơi biểu diễn khác là đúng. Các khoảng rộng được bố trí thoải mái về công năng. Tôi cho rằng nó là một nhà hát đặc biệt do tính chất của nhà hát, đó cũng là điều thành công", ông Đặng Kim Khôi - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ.
Liệu có cần một nhà hát cho dân ca quan họ hay không cũng là câu hỏi được một số người đặt ra. Quan họ vốn là sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với các làng xã. Thực tế các làng quan họ vẫn đang giữ gìn phát huy rất tốt di sản văn hóa độc đáo này. Vậy đưa quan họ lên sân khấu chuyên nghiệp, đánh dấu bằng một nhà hát được đầu tư lớn có làm phôi pha bản sắc của nó hay không? Nhìn lại lịch sử nghệ thuật dân gian Việt Nam, nhiều loại hình âm nhạc đã không ngừng biến đổi, thích ứng với thời cuộc chứ không chỉ giữ nguyên một hình thái cổ truyền xưa cũ.
"Xã hội phát triển mạnh, để bảo tồn các loại hình nghệ thuật ấy nên xây dựng các trung tâm nghệ thuật dân gian, nhà hát nghệ thuật dân gian. Làm được như vậy tức là chúng ta giữ được toàn vẹn hơn cái mà nó đang còn hôm nay" - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết – "Quan họ có thể hát ở đình, có thể hát ở miếu, ở trong nhà, vậy quan họ cũng có thể hát trong nhà hát quan họ. Miễn là anh bảo toàn được nghệ thuật hát quan họ thì nó hát ở đâu cũng hay".
Công bằng mà nói, không phải không có những nhà hát, rạp chiếu phim xây xong còn lãng phí, chưa phát huy hiệu quả. Nhưng có một thực tế lớn hơn là vẫn còn rất thiếu các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân. Theo số liệu thống kê, trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, có tới 44 địa phương không có nhà hát, rạp chiếu phim, tức là có tới 2/3 số tỉnh thành chưa có nổi một nhà hát hay rạp chiếu. Trong khi đó, nhìn ra thế giới, các quốc gia không tiếc tiền đầu tư cho các công trình văn hóa nghệ thuật, và thành quả nó mang lại không chỉ tính bằng doanh thu hay lợi nhuận.
Tại Việt Nam, trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của chính phủ có nêu rõ phải bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và cộng đồng thông qua các trung tâm văn hóa nghệ thuật cùng với các thiết chế văn hóa khác như bảo tàng, thư viện. Cần có cái nhìn công tâm, để thêm nhiều nhà hát, rạp chiếu, nhà văn hóa…được ra đời. Điều quan trọng nhất là công trình ấy đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, và được sử dụng hiệu quả. Đó chính là không gian giữ gìn bản sắc, nâng cao đời sống tinh thần, và xây dựng "sức mạnh mềm" văn hóa như Đại hội Đảng 13 đã đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!