Có thể thấy vài năm trở lại đây, áo dài nam đang dần tìm lại vị trí của mình sau một thời gian dài bị quên lãng. Ngày càng nhiều người mặc áo ngũ thân trong dịp Tết cổ truyền, lễ hội, hiếu hỉ, thậm chí cả công sở. Huế là địa phương đi tiên phong đưa áo dài nam vào công sở từ năm 2020.
Áo ngũ thân được sinh ra tại Huế từ nửa đầu thế kỷ 18. Vì vậy, Huế được xem là kinh đô áo dài, nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú và đẹp nhất, từ các loại triều phục dành cho vua chúa, hoàng gia đến thường phục dành cho mọi tầng lớn nhân dân. Với thế mạnh này, Huế đang triển khai các giải pháp mạnh mẽ nhằm phục hưng áo dài truyền thống, trong đó có áo dài nam. "Khi hội nhập càng sâu với thế giới, yêu cầu về sự nhận diện cái riêng càng lớn. Chúng tôi đã tích hợp thành hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề nghị xếp hạng đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia", ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Do thất truyền khá lâu nên việc thiết kế một chiếc áo dài nam tụ hội đầy đủ các yếu tố không phải là điều đơn giản. Hiện tại không có nhiều nghệ nhân có thể may được áo dài ngũ thân theo đúng nguyên bản. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch từng bước đào tạo một đội ngũ nghệ nhân áo dài tài hoa, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu văn hóa Huế thông qua tà áo dài truyền thống.
Chiếc áo dài ngũ thân đã có lịch sử hình thành và phát triển gần 300 năm, từ thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên, khi người Pháp vào Đông Dương mang theo quần âu, áo sơ mi và comple đã tạo ra phong trào Âu hóa trong thời trang, thay thế toàn bộ áo dài ngũ thân truyền thống mà người Việt đã mặc hàng trăm năm trước đó. Trãi qua thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài nam truyền thống có số phận long đong hơn nhiều so với áo dài nữ. Nhưng nay, áo ngũ thân đang dần được đánh thức trở lại, với những nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa nằm trong từng đường kim mũi chỉ.
"Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy nó có những đặc điểm cần phải lưu giữ, đó là sự kín đáo, bộc lộ sự khiêm nhường, giản dị và hòa đồng với mọi người. Đó là đặc điểm của áo dài nam và áo dài nữ của các cụ. Áo ngũ thân có 5 thân, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, trùm bên ngoài là phần bên trong chính là phần con. Áo có 5 khuy cài bên ngoài, luôn luôn sáng màu và không phải vải bện. Cổ áo nam cổ cao hơn nữ và đặc biệt trên đầu nam giới luôn có khăn đen, giúp mái tóc của người đàn ông chỉn chu, sáng sủa khuôn mặt", ông Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm CLB Đình lạc Việt cho hay.
Vài năm trở lại đây, nhiều nghệ sỹ có xu hướng chọn mặc áo ngũ thân qua các sự kiện văn hóa, phim ảnh, album ca nhạc, khai thác vẻ đẹp uy nghi, trang trọng, nghiêm cẩn của áo dài nam. Trong giới trẻ còn xuát hiện nhiều hội nhóm, fanpage chuyên nghiên cứu, trao đổi về cổ phục như Vietnam Centre, Thiên Nam Lịch đại Hậu phi, Đình làng Việt, Đại Việt Cổ Phong; nhiều nơi may trang phục áo dài nam cổ truyền có tiếng Ỷ Vân Hiên, Hoa Niên, Great Vietnam... Áo dài nam dần trở thành một phần của đời sống đương đại.
Từ những năm 1996 - 1997, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin sớm ban hành quy định về quốc phục. Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng khởi động Dự án chọn lễ phục Nhà nước. Đến nay tất cả vẫn còn dở dang. Nhưng giờ đây khi Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, giao lưu văn hóa trên toàn cầu ngày càng gia tăng, nhiều chuyên gia cho rằng việc khẳng định nét riêng biệt, độc đáo là vô cùng cần thiết. Có nên xem xét sử dụng áo dài ngũ thân cho cả nam và nữ làm lễ phục nhà nước hay không là câu hỏi cần sớm được trả lời.
"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải nghĩ ra một chuẩn về quốc phục cho các nhà ngoại giao, nên lấy ý kiến của một số nhà văn hóa, nghiên cứu quá trình lịch sử tiến hóa của trang phục người Việt, từ đó chọn được một bộ quốc phục để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Khi có quốc phục rồi, nhà ngoại giao mặc theo trang phục dân tộc mình thì dễ nói, dễ đi, dễ đứng...", ông Võ Hồng Phúc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho biết thêm.
Trong mắt bạn bè thế giới, áo dài Việt Nam được đánh giá mang ý nghĩa đặc trưng độc đáo như kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc hay sườn xám của Trung Quốc. Đó chính là một phần của thương hiệu quốc gia. Và có lẽ đã đến lúc cần những động thái, những chiến lược mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng để không lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa vô giá này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!