Bảo vệ bản quyền âm nhạc: Rủi ro từ sự thiếu rõ ràng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 29/11/2023 13:46 GMT+7

VTV.vn - Sự thiếu rõ ràng trong hành vi của một số cá nhân, đơn vị đã gây thiệt hại cho tác giả, gây khó cho cơ quan có thẩm quyền khi xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền tác giả.

Cuối tháng 10/2023, câu chuyện bản quyền giữa ca sĩ Noo Phước Thịnh và nhạc sĩ Đỗ Hiếu khiến dư luận xôn xao, khi nhạc Đỗ Hiếu cấm Noo Phước Thịnh diễn 8 ca khúc do anh sáng tác. Trên thực tế, những tranh chấp liên quan đến bản quyền âm nhạc giữa nhạc sĩ và ca sĩ, giữa nhạc sĩ và công ty sản xuất, khai thác sản phẩm âm nhạc đã từng nhiều lần xảy ra. Trước đó, ca sĩ Đan Trường cũng từng bị nhạc sĩ Đình Dũng tố cáo sử dụng trái phép ca khúc Từng yêu biểu diễn với mục đích kiếm tiền suốt 2 năm mà không có một lời xin phép…

Điểm chung của những vụ tranh chấp trên là khúc mắc xoay quanh vấn đề thỏa thuận chuyển giao quyền tác giả. Như Đan Trường đưa ra bằng chứng cho thấy phía nam ca sĩ đã trao đổi với nhạc sĩ Đình Dũng bằng hình thức tin nhắn. Sự thiếu rõ ràng trong hành vi của một số cá nhân, đơn vị đã gây thiệt hại cho tác giả và gây khó cho cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, tình trạng cá nhân, tổ chức tùy tiện khai thác, sử dụng các sáng tác âm nhạc để biểu diễn hoặc kinh doanh trên nền tảng số vẫn đang diễn biến phức tạp.

Luật sở hữu trí tuệ quy định tác phẩm âm nhạc là một trong các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học, được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm quyền thân nhân và quyền tài sản. Việc đăng ký bản quyền sẽ giúp các tác giả bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn khi có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, số lượng đăng ký tác quyền vẫn còn rất khiêm tốn. Với những tác giả đã thực hiện đăng ký lại chưa thực sự hiểu hết về các điều khoản để bảo vệ quyền lợi của mình.

Mới đây, Hội thảo bảo vệ bản quyền âm nhạc 2023 đã thảo luận sâu chuyển giao bản quyền tác giả. Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết thời gian qua đơn vị này đã khởi kiện hơn 40 vụ vi phạm bản quyền, trong đó có hơn 20 vụ vẫn đang trong quá trình giải quyết. Thực tế xử lý khó khăn do trong nhiều trường hợp, tác giả chỉ thỏa thuận miệng, tin nhắn hay gọi điện thoại với công ty phát hành, đặc biệt là chuyện bán đứt ca khúc do tác giả thiếu kiến thức về luật bản quyền nên dẫn đến chưa hiểu rõ hình thức này, đối diện với nguy cơ rủi ro.

Ước tính trong năm 2022, Việt Nam có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số, gây ra thiệt hại 348 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng). Cùng với việc tự nâng cao năng lực tự bảo vệ của các tác giả, cần thêm sự chung tay của các cá nhân, tập thể, đặc biệt là các tổ chức đại diện quyền tác giả ở Việt Nam.

Hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc xảy ra khá phổ biến, với quy mô lớn và thường xuyên, dưới hình thức kinh doanh thương mại. Trong khi đó, mức phạt hiện nay không tương ứng với mức độ vi phạm thiệt hại mà các đơn vị này gây ra. Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc, cơ quan chức năng cần sửa quy định hiện hành về kiểm tra, xử lý, đồng thời nâng cao ý thức của xã hội về vấn đề bảo vệ bản quyền âm nhạc, nhất là ý thức tôn trọng từ phía ca sĩ, bởi mỗi bài hát là sự đầu tư chất xám, thời gian và cả tình cảm, tâm huyết của người sáng tác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước