“BHV góp phần tạo nên thế hệ mới của nhạc Việt”

NT, Ảnh: Nhân vật cung cấp-Thứ bảy, ngày 02/02/2013 16:04 GMT+7

Nhà báo Minh Đức

Là thành viên của Hội đồng thẩm định Bài hát Việt, nhà báo Minh Đức đã có những chia sẻ thú vị trước giờ G diễn ra vòng chung kết. Anh cho rằng: “Bài hát Việt đã góp phần tạo nên thế hệ mới của làng nhạc Việt”.

Nếu ở những mùa trước của Bài hát Việt, việc tìm ra các bài hát hay là điều khó khăn nhất cũng đồng thời là tiêu chí chủ yếu – do có nhiều nhạc sĩ đã thành danh, thậm chí đang rất nổi tiếng cùng tham dự - thì từ 2 năm nay, Bài hát Việt có thêm một mục đích nữa, ngày càng rõ ràng, là phát hiện và đẩy lên những gương mặt sáng tác, phối khí… trẻ trung, góp phần vào làn sóng những người trẻ tạo nên một thế hệ mới của nhạc Việt.

Tính phát hiện luôn được các thành viên Hội đồng thẩm định đề cao và lưu ý khi chấm điểm cho từng bài hát. Nhờ đó những gương mặt rất mới như Thùy Hoàng Diễm, Thái Trinh, Phạm Hải Âu, Việt Thắng, Huyền Sambi, Đinh Kai, Đồng Lan, Châu Đăng Khoa, Khắc Hưng… đã được tôn vinh. Vì thế, người yêu nhạc có quyền hy vọng họ sẽ trở thành những đại diện đáng nể cho một đời sống nhạc Việt giai đoạn mới, rất phong phú về phong cách và đầy những dấu ấn sáng tạo cá nhân. Nhà báo Minh Đức chia sẻ anh nghe và thích nhiều nhưng đặc biệt ấn tượng với Phạm Hải Âu và Vũ Đặng Quốc Việt (phối khí).

Nhìn nhận về ý kiến Bài hát Việt hiện nay với hầu hết là các tác giả trẻ, nhà báo Minh Đức cho rằng đây mới thực sự là tín hiệu đáng mừng. Trong âm nhạc và nghệ thuật nói chung không có chỗ cho sự phân biệt tuổi tác, huống chi khán giả đang rất cần những gương mặt mới để họ đem lại làn gió mới cho nhạc Việt. Trước đây, nhiều bạn trẻ không dám tham gia Bài hát Việt vì ngại đứng cạnh các cây đa cây đề và bị đánh giá bởi định kiến thay vì tài năng, thì nay họ tự tin trong một sân chơi mà thế thượng phong đang thuộc về họ, nơi họ được thể hiện những sáng tạo mới mẻ và chia sẻ những cảm xúc cá nhân của mình mà không bị kiểu “vỗ đầu”.

Sự đa dạng, mới mẻ của Bài hát Việt thời gian qua còn dễ nhận thấy là bên cạnh hai đề tài rất phổ biến: Tình yêu và xã hội (trẻ em lang thang, thiên tai…) thì ngày càng có nhiều bài hát mà trong đó các tác giả đã đặt ra những câu hỏi cho chính bản thân, đó là những tâm sự của riêng họ, những trải nghiệm cá nhân và cả những triết lý họ tự rút ra cho mình từ chính những trải nghiệm đó. Nhiều bạn trẻ đã sâu sắc trong cách viết và cảm nhận. Khi những bài hát đó xuất hiện nhiều lên và thường được chính người sáng tác biểu diễn thì dấu ấn của những ca sỹ, tác giả ngày càng đậm nét. Chính chương trình Bài hát Việt đã đưa khái niệm singer/songwriter trở nên phổ biến, đại chúng như ngày nay, điều mà hơn chục năm trước ở Việt Nam vẫn còn rất hiếm hoi, thậm chí được coi như hiện tượng.

Còn về âm nhạc, dễ nhận thấy nhất sự tính cập nhật với các trào lưu âm nhạc đang thịnh hành trên thế giới. Điều này rất quan trọng khi ta đánh giá về chất “trẻ” của những người tham gia. Có điều thú vị là cho dù sáng tác với thể loại nào, phong cách nào, thì tiếng Việt được dùng trong bài hát vẫn rất trong sáng, rất “ăn”.

Nhìn lại Bài hát Việt năm 2012, nhà báo Minh Đức chia sẻ: “Hồi Bài hát Việt 2012 mới khởi động, tôi có chia sẻ trên website Bài hát Việt là làm chương trình giống như đi câu, có thể không câu được con cá to, nhưng những con được chọn đưa lên mâm cũng phải là cá ngon, ăn được. Đó là một cách nói vui, thực tế là các bài hát được “sàng lọc” tại Bài hát Việt hoàn toàn có thể đi vào thị trường ca nhạc với chất lượng đã qua thẩm định để có thể xuất hiện đàng hoàng trong các album được sản xuất tử tế. Nhạc hay không đồng nghĩa với phải lắt léo, khó nghe. Vì thế cũng đừng thấy những bài hát giản dị, trong sáng và dễ nghe chiến thắng ở Bài hát Việt mà tỏ ý nghi ngờ tiêu chí của chương trình. Âm nhạc không phân biệt giá trị ở dễ hay khó.”

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước