‘ Cao Đức Thái và những người bạn trên đường chạy xuyên Việt cổ vũ văn hóa đọc - Ảnh: NVCC |
|
Và nhắc đến những người cùng góp phần xây dựng một nền văn hóa đọc cho người Việt trong những năm gần đây, có ba gương mặt mà những ai quan tâm đến sách vẫn đang chờ đợi những kết quả lạc quan từ nỗ lực của họ.
1. Đầu tiên phải nhắc đến “nhà cách mạng thư viện” Nguyễn Quang Thạch với dự án Sách hóa nông thôn đang được nhiều tầng lớp xã hội chung tay hưởng ứng.
Bắt đầu ý tưởng chương trình Sách hóa nông thôn từ năm 1997, đến nay anh Thạch cho biết dự án Sách hóa nông thôn đã phối hợp với toàn xã hội xây dựng được hơn 2.500 tủ sách trên cả nước. Trong đó khoảng 120 tủ sách dòng họ, gần 2.400 tủ sách phụ huynh/tủ sách lớp em, sáu tủ sách hậu phương quê hương chiến sĩ... Ngoài ra anh còn tư vấn cho rất nhiều thầy cô giáo, các dòng họ, giáo xứ cách xây dựng mô hình tủ sách. Các tủ sách đã tạo cơ hội đọc sách cho hàng trăm ngàn người và đã có ít nhất 700.000 lượt sách được mượn trong những năm qua.
Dự định của Nguyễn Quang Thạch là riêng trong năm 2014 sẽ xây dựng được 6.000 tủ sách, trong đó có 300 tủ sách ở tỉnh Thái Bình và 5.700 tủ sách ở các tỉnh khác. “Trong năm 2014, tôi sẽ đạp xe xuyên Việt để giới thiệu tủ sách phụ huynh đến các sở giáo dục và gây quỹ để hoàn thành kế hoạch 6.000 tủ sách” - anh Thạch nói.
2. Cũng đến từ Thái Bình, một người cần mẫn gieo mầm văn hóa đọc khác là anh Phạm Bắc Cường với dự án Không gian đọc, vận động các cá nhân mở các điểm thư viện phù hợp tại gia đình mình. Đến với Không gian đọc, bạn đọc chỉ phải bỏ số tiền 3.000 - 5.000 đồng để làm thẻ mượn sách.
Mô hình được khởi đầu tại thôn An Phú, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vào tháng 4-2008 với một không gian đọc gồm khoảng 100 cuốn sách, báo mới và cũ. Đến nay, chương trình đã được nhân rộng với 10 điểm được mở ở các huyện khác nhau của tỉnh Thái Bình. Trong đó, quy mô lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất là Không gian đọc An Phú, Không gian đọc Bương Hạ với chừng 2.000 cuốn sách, báo, đĩa, chủng loại phong phú. Hiện nay, Không gian đọc đã vươn ra một số tỉnh, thành phố khác như Quảng Nam, TP.HCM, Thái Nguyên... “Chúng tôi không mong gì hơn là mang lại kiến thức, thông tin cho bạn đọc nhằm thay đổi tư duy, thái độ sống và bồi đắp sự thiện tâm trong tâm hồn” - anh Phạm Bắc Cường chia sẻ.
3. Để cổ vũ phong trào đọc sách cho mọi người, một chàng trai mới 26 tuổi cùng những người bạn đã quyết tâm thực hiện hành trình chạy bộ xuyên Việt cổ vũ văn hóa đọc trong 30 ngày. Đó là anh Cao Đức Thái, tại Lê Chân, Hải Phòng.
Thái cho biết anh có ý tưởng chạy xuyên Việt để cổ vũ việc đọc sách của người Việt, nhất là giới trẻ hiện nay, bắt đầu từ năm 2012. “Rất nhiều lần tôi tự hỏi tại sao có con người tôi ngày hôm nay. Sách là từ hiện ra đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ sách thì chưa đủ, vì khá nhiều người đọc sách nhưng chưa cảm nhận hết ý nghĩa của nó. Và hành động là từ hiện ra thứ hai. Vậy là tôi quyết định chạy xuyên Việt để kêu gọi thành lập CLB Sách và hành động cho sinh viên” - Thái chia sẻ.
Tháng 5-2013, một mình anh bắt đầu lên kế hoạch thực hiện ý tưởng táo bạo này. Tháng 7-2013, anh nghỉ việc để lập dự án “Chạy xuyên Việt” cùng ba người bạn nữa. Và trong vòng năm tháng trước khi khởi hành chạy 1.750km trong 30 ngày, anh đã kêu gọi được hơn 7.000 quyển sách giấy và 120.000 bản sách điện tử. Khởi hành từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lúc 10g ngày 29-12-2013, đến 9g50 ngày 28-1-2014 Thái và những người bạn đã đặt chân tới hội trường Thống Nhất (TP.HCM). “Để đến đích trong 30 ngày như dự kiến, ngày thứ 30 chúng tôi phải chạy 105km. Đó là cuộc chiến cuối cùng, một cuộc chiến thật sự” - anh nói.
Ước mơ thành lập được 200 CLB Sách và hành động trong vòng năm năm của Thái cũng không phải là không gây nghi ngại về sự mơ mộng. Nhưng trước mắt, sau CLB Sách và hành động đã ra mắt tại Trường THPT Yên Dũng 2 (huyện Yên Dũng, Bắc Giang), vào tháng 6 tới Cao Đức Thái và những người bạn sẽ thành lập tiếp một CLB tại Hải Phòng và trong tháng 7 dự kiến lập một tủ sách trong bệnh viện cũng tại đây.