Câu chuyện xào xáo trong văn hóa nghệ thuật và tư duy copy

Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật-Thứ ba, ngày 17/11/2015 14:02 GMT+7

Nhà báo Thủy Phạm và Lê Hồng Lâm tại chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật.

VTV.vn - Phải chăng tư duy copy đã được hình thành từ lâu? Đây là một trong những câu hỏi đã được đặt ra tại Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật số phát sóng mới nhất.

Năm 2010, bộ phim Giao lộ định mệnh của đạo diễn Victor Vũ giành được rất nhiều tình ảm, ấn tượng tốt của khán giả cho một phim Việt Nam được đầu tư kỹ càng từ kịch bản đến hình thức thể hiện. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng khởi chiếu trên toàn quốc, những người hâm mộ quốc tế phát hiện ra có quá nhiều điểm giống nhau giữa Giao lộ định mệnh và bộ phim Mỹ Shattered phát hành năm 1991. Điều này khiến cho rất nhiều công chúng cảm thấy bị lừa dối, mất lòng tin, giới chuyên môn lên tiếng phê bình.

Cuối 2014, phần beat của ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP bị cho rằng giống tới 80% ca khúc Because I miss you của ca sĩ Hàn Quốc Jung Yong Hwa và chỉ trong một thời gian ngắn, ca khúc này đã gây nên một tranh luận dài kỳ với những ý kiến khác nhau về vấn đề đạo nhạc. Khép lại sự kiện này, Bộ VH,TT và DL yêu cầu ca sĩ Sơn Tùng M-TP phải thay toàn bộ phần beat ca khúc Chắc ai đó sẽ về nếu muốn tiếp tục lưu hành.

Tháng 10/2015, nhà thơ Phan Huyền Thư đã thừa nhận bài Bạch lộ trong tập thơ Sẹo độc lập của cô có sau bài Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Sau đó ít ngày, Hội Nhà văn Hà Nội đã gửi thông cáo chính thức về việc thu hồi giải thưởng thơ 2015 cho tập thơ này.

Đây chỉ là một trong vài sự kiện gây được sự chú ý rộng rãi trong dư luận về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Chắc chắn, vẫn còn rất nhiều những hình thức xâm phạm bản quyền khác trong hội họa, thời trang, điêu khắc… chưa thể biết và kể hết được. Và những câu chuyện về việc đạo trong văn hóa nghệ thuật cũng đã trở thành chủ đề cho chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật với 2 nhân vật khách mời là nhà báo Thủy Phạm và Lê Hồng Lâm của báo Thể thao&Văn hóa.


Nhà báo Thủy Phạm.

Nhà báo Thủy Phạm.

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này trong phần mở đầu của chương trình, nhà báo Thủy Phạm nói: “Những chuyện này tôi không thấy mới bởi vì chúng ta cũng đã từng chứng kiến có những câu chuyện tương tự như vậy thời gian trước đây. Nó như một vết thương nhưng chúng ta không chữa nó. Chúng ta đậy điệm nó lại và sau một thời gian sẽ lại có một vết thương như thế”.

Ngay sau chia sẻ của nhà báo Thủy Phạm, BTV Mỹ Linh – người dẫn chương trình của Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật – đã đặt ra câu hỏi: “Chị Thủy nói đây là vấn đề chẳng có gì mới mẻ, vậy chẳng lẽ bầu không khí văn học nghệ thuật ở Việt Nam đã ô nhiễm từ rất lâu rồi?”.

Đáp lại câu hỏi của BTV Mỹ Linh, nhà báo Lê Hồng Lâm trả lời: “Tôi thấy chuyện đó xảy ra thậm chí là hàng ngày, nếu mọi người nhìn trên báo chí. Báo chí là lĩnh vực mà việc ăn cắp xảy ra ngang nhiên và hầu như mọi người xem đó là chuyện bình thường”.

“Như bên chúng tôi, những tạp chí về phong cách. Chúng tôi tổ chức những bộ ảnh, những bài viết công phu lắm. Một ê-kíp sáng tạo có tới 10 người và bao nhiêu tâm huyết của chúng tôi được đưa lên một trang tạp chí và chỉ một ngày hôm sau, đã thấy nó nằm đâu đấy trên một trang báo mạng khác” – nhà báo Lê Hồng Lâm nói tiếp – “Thậm chí người ta còn cắt xén, còn sửa đổi và biến nó thành một thứ giật gân câu khách. Những chuyện đó chúng tôi kêu cứu rất nhiều, phẫn nộ, thậm chí đưa ra kiện nhưng rồi đâu lại vào đấy. Cho nên những sản phẩm sáng tạo đầu tư, đôi khi mất cả một tháng bị ngang nhiên ăn cắp thì những người trong cuộc đúng là phẫn nộ thật sự”.


Nhà báo Lê Hồng Lâm.

Nhà báo Lê Hồng Lâm.

Kết thúc câu trả lời này, nhà báo Lê Hồng Lâm cho rằng cần có một hành lang pháp lý: “Nếu cuối cùng chúng ta không có hành lang pháp lý thì những chuyện về xào xáo, nặng hơn là ăn cắp trắng trợn sẽ vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ trê báo chí và sâu hơn nữa là các lĩnh vực văn học nghệ thuật như phim ảnh, như truyền hình, như văn chương. Những chuyện này ở các nước phương Tây được làm rất nghiêm”.

“Ở nước ngoài, những chuyện này cần được giải quyết đến tận cùng. Nên những trường hợp sau đó người ta soi vào người ta không còn dám làm nữa”.

Để nghe trọn vẹn cuộc trao đổi của nhà báo Thủy Phạm và Hồng Lâm về vấn đề đang rất được quan tâm này, bạn hãy xem trong video dưới đây:

 

Văn hoá - Sự kiện - Nhân vật: Câu chuyện về đạo trong văn hóa nghệ thuật

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước