Đã từ lâu, thói quen du xuân vãn cảnh lễ chùa đã trở thành nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt. Đây còn là dịp để tâm thức mỗi người hướng đến cái thiện và những giá trị tốt đẹp trong năm mới. Thời tiết xuân Giáp Thìn khá thuận lợi, khiến những địa điểm di tích, lễ hội đầu năm càng đông đúc, nhộn nhịp hơn. Để đảm bảo an toàn, văn minh lễ hội, ngay từ đầu tháng 2, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT-DL đã có văn bản đề nghị một số địa phương giám sát chặt chẽ đối với các lễ hội lớn, tập trung đông người.
Trước đó, từ tháng 8/2023, Bộ VHTT-DL đã ban hành bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Ghi nhận trong những ngày qua, lần đầu tiên thực hiện bộ tiêu chí này, công tác đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức quản lý hoạt động tại một số điểm đến tâm linh, lễ hội đã được địa phương quan tâm giám sát chặt chẽ, tạo chuyển biến tích cực so với những năm trước. Điển hình như tại lễ hội chùa Hương năm 2024, công tác quản lý lái đò thông qua hợp tác xã đã tạo hiệu quả tích cực, mang tới lợi ích cho người dân địa phương và khách tham quan…
Dù công tác quản lý lễ hội năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng những hình ảnh chưa đẹp vẫn tồn tại ở đâu đó. Có thể kể tới như hiện tượng đổi tiền lẻ lãi suất cao, bán ấn trạch, bùa hộ mệnh ở đền Bảo Lộc, Nam Định.
Ngày 24/2 là ngày Rằm tháng Giêng âm lịch. Ngày rằm tháng Giêng năm nay rơi vào ngày cuối tuần, dự kiến các đình, đền, chùa sẽ thu hút lượng lớn du khách. Lượng khách càng lớn thì càng tạo áp lực lên quản lý điểm đến. Lần đầu tiên thực hiện bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, trong nửa tháng đầu xuân Giáp Thìn, nhìn chung các lễ hội đảm bảo an toàn, văn minh, lành mạnh. Tuy vẫn có những hình ảnh chưa đẹp nhưng đánh giá chung về công tác quản lý lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn những mùa lễ hội trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!