Từ những chiếc áo Ngũ thân, áo Nhật Bình… càng gần đến Tết, những chiếc áo cổ phục lại càng xuất hiện nhiều trong các sự kiện văn hóa hay trên mạng xã hội. Người mặc phần lớn là các bạn trẻ.
Cổ phục Việt hay nói cách khác là cổ phong – những tinh hoa cổ, nét đẹp cổ xưa – đang ngày càng trở nên thu hút với người trẻ, trở thành một trào lưu mạnh mẽ, nhất là vào dịp Tết cổ truyền. Từ một trào lưu, cổ phục giờ đã dần hình thành những yếu tố để phát triển công nghiệp văn hóa từ bản sắc trang phục Việt Nam.
Từ cách đây hơn 1 tháng, trào lưu cổ phục Việt đã xuất hiện trên mạng xã hội. Những bộ cổ phục mọi thời kỳ xuất hiện tại các địa điểm công cộng, từ phố đi bộ, các di tích văn hóa đến các quốc gia khác, thu hút sự chú ý của nhiều người. Những video mặc cổ phục đã nhận được hàng triệu lượt xem, yêu thích. Mạng xã hội đã trở thành một công cụ hiệu quả để các bạn trẻ lan tỏa tình yêu cổ phục Việt, cũng như văn hóa dân tộc trong dịp Tết này.
Nhìn sang các quốc gia láng giềng, như tại Trung Quốc, việc các bạn trẻ mặc truyền thống cũng rất phát triển, trở thành cách người dân Trung Quốc sống cùng di sản văn hóa của họ. Các nhà văn hóa gọi đây là quốc trào, tức là trào lưu tiêu dùng sản phẩm trong nước, lấy mỹ học truyền thống làm nền tảng. Sản phẩm được tiêu thụ trong quốc trào phong phú về thể loại, từ âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, đồ dùng gia đình đến trang phục, ẩm thực…
Điều không phải bàn cãi là các giá trị văn hóa hoàn toàn có thể tận dụng để làm ngành công nghiệp. Từ sau khi nước ta ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa không còn là câu chuyện lý thuyết. Xu hướng trào lưu người trẻ tìm về với cổ phục, cổ phong cũng cho thấy tiềm năng có thể xây dựng công nghiệp thời trang từ giá trị truyền thống.
"Càng tìm hiểu về các giá trị văn hóa càng thấy được nét hay, vẻ đẹp của giá trị văn hóa thì chúng ta càng có niềm tin và sự tự hào để khai thác các giá trị văn hóa của dân tộc, tạo những lợi thế để không chỉ trong phát triển văn hóa mà còn lan tỏa những giá trị ấy sang phát triển kinh tế, xã hội", PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!