Theo phản ánh của một số người dân làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) thì vào rạng sáng 25/6, nhiều người dân khi đi qua cổng làng thì phát hiện cổng làng phía bên phải bị ô tô tông khiến cột trụ bị lệch, gạch lõi bên trong bị xô hẳn sang một bên, mặt ngoài bị bong tróc, kết cấu cột trụ bị biến dạng, có nguy cơ bị đổ xuống bất cứ lúc nào… Nhiều người dự đoán, đây có thể là vết đâm của ô tô do một người nào đó lái xe trong tình trạng “hơi men” đâm vào. Ngay sau đó, người dân đã báo cáo cho chính quyền địa phương biết để có phương án xử lý.
Cổng làng Mông Phụ trước và sau khi bị tai nạn. Ảnh: Tường Huy.
Phóng viên đã rất nhiều lần liên lạc với ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm qua điện thoại. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà ông Sơn không hề bốc máy.
Liên lạc với ông Giang Mạnh Hoằng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, kiêm Phó Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm xác nhận, di tích cổng làng Mông Phụ thuộc quần thể di tích làng cổ Đường Lâm bị ô tô húc phải vào rạng sáng 25/6. Tình trạng khi phát hiện là cột đỡ phía bên phải bị nứt thành một đường dài, mặt ngoài của cột bị bong tróc bê tông. Phía cơ quan công an đang xác minh để tìm ra thủ phạm gây nên vụ việc này. Trước mắt, để tránh tình trạng cột tiếp tục bị nứt hoặc gẫy đổ, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã tiến hành “bó bột” lại ngay hôm sau.
Ông Khuất Văn Trọng - Phó Phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Sơn Tây, cho biết, vào năm 2015, cổng làng Mông Phụ cũng từng bị một xe tải chở hàng làm lệch mái che phía trên. Sự việc này sau đó đã được khắc phục lại mà không làm hồ sơ trình lên trên vì sự cố không quá nghiêm trọng.
Theo ông Trọng, dù di tích Đường Lâm không thuộc mảng do ông quản lí nhưng tinh thần cuộc họp chung vào ngày hôm qua (26/6) thì sự cố xe ô tô tông phải cột trụ ở cổng làng đã được Ban Quản lí di tích Đường Lâm tiến hành khắc phục. Thủ phạm gây nên vụ tai nạn này cũng đã được tìm ra nhưng chưa thể công bố.
Ông Trọng cho rằng, cổng làng Mông Phụ trước kia đã xuống cấp nên mới được trùng tu lại như hiện tại vào khoảng vài năm trở lại đây. Cổng làng xưa vốn hẹp vì ngày xưa người dân không có các phương tiện cơ giới hiện đại như hiện nay. Trong khi đó, nhu cầu dân sinh đi lại ngày càng nhiều nên những vụ va quệt xe cộ vào cổng làng là khó tránh. Ban Quản lí di tích cũng không quá nhiều người để cắt cử đứng gác cổng làng 24/24.
Theo tìm hiểu, có nhiều lối vào làng cổ Đường Lâm, tuy nhiên cổng làng Mông Phụ là cổng cổ còn lại duy nhất cho đến ngày nay.
Cú đâm khá mạnh khiến cho cột trụ bị biến dạng kết cấu. Ảnh: Tường Huy.
Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào thời gian đời vua Lê Thần Tông (1553), mở lối cho trục đường chính dẫn vào làng. Cổng được làm theo kiểu “Thượng gia hạ môn” có nghĩa là trên là nhà, dưới là cổng. Cổng được xây bít đốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui, trên mái lợp ngói. Thượng lương còn rõ dòng chữ khắc trên gỗ “Thế hữu hưng nghi đại”, nghĩa là “Cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi”.
Tường của cổng làng được làm bằng đá ong đào từ lòng đất, cát thì lấy trên gò trong vùng rồi trộn vôi với mật, tạo thành hỗn hợp kết dính để xây cổng. Tường xây đá ong trần chít mạch, không “đao, đấu, diềm, mái”. Hai cánh cổng được làm bằng gỗ lim theo hình “cánh dế” dày chừng bốn năm phân, xoay trên hai cối cổng bằng đá và hai bánh xe gỗ bọc thép. Cổng làng xưa chỉ đủ cho vài người gánh lúa nghỉ ngơi, là chỗ trú cho vài người đi tuần làng. Có thể nói, đây là nơi phân định không gian lao động ở phía ngoài và không gian sinh sống phía trong làng. Trước cổng là cây đa cổ, cây duối và một số bụi tre nhỏ.
Cổng làng Mông Phụ sau khi được "bó bột". Nhiều người cho rằng, việc "bó bột" cổng làng kiểu này sẽ khiến cho chiếc cổng làng đẹp nhất vùng Bắc Bộ trở nên lem luốc. Ảnh: Tưởng Huy.
Theo thống kê hiện tại, cổng làng Mông Phụ đã trải qua hai lần tu sửa vào các năm 1951, 2008. Cổng làng Mông Phụ được Nhà nước xếp hạng vào năm 2007. Năm 2013, cổng làng cổ là một trong năm công trình trong Di tích làng cổ được Ủy ban UNESCO Châu Á - Thái Bình Dương trao giải thưởng về kỹ thuật tu bổ, tôn tạo bằng vật liệu gỗ truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam.