Chương trình Góc nhìn văn hóa số mới nhất đã phân tích về xu hướng sống giản dị, tiết kiệm đang được nhiều gia đình lựa chọn. Xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến, giúp định hình văn hóa tiêu dùng mới.
“Lối sống tiết kiệm có nhiều mặt tích cực. Đầu tiên là giúp mỗi thành viên trong gia đình sống có kế hoạch, mục tiêu. Việc tiết kiệm giúp chúng ta không bị rơi vào khủng hoảng những lúc thiếu tiền hay cần đầu tư mà không có. Thứ ba là giúp ổn định đời sống gia đình. Rõ ràng, khi có nguồn tài chính và phân phối nguồn tài chính hợp lý thì giúp chúng ta có tâm lý không rơi vào sự lo âu hay sợ hãi”, PGS. TS Phạm Mạnh Hà - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Tiết kiệm điện từ những hành động nhỏ nhất như: rút các đồ điện tử ra khỏi ổ khi không sử dụng; tắt các thiết bị điện khi ra ngoài; tắt tivi khi không sử dụng.... hạn chế dùng thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào giờ cao điểm. Những điều tưởng như đơn giản, nhỏ nhặt, nhưng biết sử dụng hợp lý sẽ tiết kiệm đáng kể cho quỹ sinh hoạt chung của mỗi gia đình.
Khảo sát quý III của công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế và tình hình tài chính cá nhân. Nhưng họ không bung tiền mua sắm mà còn tiết kiệm hơn trước.
Theo kết quả khảo sát, 72% số người được hỏi muốn tiết kiệm cho dài hạn, tăng 6 điểm phần trăm so với quý 1, do nhiều người cảm thấy giá hàng hóa, nhu yếu phẩm tăng 6 tháng qua, vì vậy họ có xu hướng tiết kiệm hơn để tạo an tâm cho tài chính gia đình. Ngoài ra, nhiều người còn tranh thủ tiết kiệm để phòng thân khi ốm đau vì lo chi phí cho y tế tăng.
Cũng theo khảo sát, một nửa số người được hỏi cho biết chi phí y tế và sức khỏe gia tăng là mối quan tâm hàng đầu. Hai cách tiết kiệm phổ biến của người Việt là điều chỉnh lại hành vi mua sắm, lối sống và gửi tiền vào ngân hàng. 73% được hỏi nói họ thực hành tránh lãng phí như chỉ mua sắm những sản phẩm cần thiết, 47% dành nhiều thời gian ở nhà hơn.
Không riêng ở Việt Nam mà xu hướng thắt chặt chi tiêu, xây dựng lối sống giản dị, đi vào những nhu cầu thiết yếu, tránh phù phiếm xa hoa cũng đang phổ biến tại nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia phát triển. Bởi những vấn đề bất ổn như xung đột địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh trong vài năm gần đây khiến mọi người phải quan tâm nhiều hơn đến tích lũy thay vì tiêu xài hoang phí.
Muốn xây dựng lối sống giản dị, tiết kiệm, cần sự thay đổi từ trong nhận thức của mỗi người về nhu cầu cá nhân, sự trân trọng giá trị của lao động, sự cân bằng giữa chi tiêu, tích lũy và đầu tư. Đồng thời, mỗi người cũng cần tầm nhìn cho tương lai của mình, tránh việc làm đến đâu tiêu hết đến đấy. Để làm được điều này, mỗi người cũng cần có kỹ năng quản lý chi tiêu tốt để sử dụng thu nhập của mình một cách hài hòa, hợp lý.
Quy tắc 6 chiếc lọ là bộ quy tắc được các chuyên gia tài chính hướng dẫn để mọi người có thể quản lý thu nhập, lập kế hoạch chi tiêu hợp lý. Theo quy tắc này, thu nhập mỗi tháng - không phân biệt cao hay thấp - sẽ được chia theo tỷ lệ nhất định và đưa vào từng chiếc lọ để chi tiêu
Lọ thứ nhất là chi tiêu cần thiết, chiếm 55% thu nhập, dùng để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như ăn, mặc, ở, sinh hoạt hàng ngày, mua sắm cần thiết, chi trả hóa đơn điện nước,.... Nhiều người đang tiêu xài phung phí, thậm chí lên tới 80% thu nhập cho các nhu cầu cuộc sống hàng ngày nhưng có quá nhiều hoạt động không cần thiết và mang tính cảm xúc.
Lọ thứ 2 là tiết kiệm dài hạn, chiếm 10% thu nhập. Khoản tiết kiệm này sẽ chi tiêu cho các mục tiêu lớn và dự kiến thời gian tích lũy lâu dài như: mua nhà đất, mua xe, sinh con... Đây là những khoản cần số tiền lớn mà không thể có trong thời gian ngắn. Vì thế, cần dành dụm dần dần nhưng đều đặn để có thể tích lũy.
Lọ 3 là dành cho giáo dục, 10% thu nhập. Số tiền này được dành để chi trả cho các hoạt động giáo dục của con cái và bản thân. Đối với khoản chi này, cần có tầm nhìn dài hạn về chiến lược học tập của con cái, tránh đầu tư quá nhiều ban đầu để sau đó trở thành gánh nặng của tương lai.
Lọ thứ 4 là dành cho hưởng thụ. Nên dành 10% thu nhập cho các hoạt động vui chơi, giải trí, làm đẹp, tăng cường trải nghiệm..., nhờ đó, giúp mỗi người thư giãn để tái tạo sức lao động và chăm sóc đời sống tinh thần, tìm được điểm cân bằng cho cuộc sống và có khả năng tạo ra nhiều khoản thu nhập hơn.
Lọ thứ 5 là tự do tài chính, chiếm 10% thu nhập. Tự do tài chính là thời điểm bạn có một cuộc sống đầy đủ như mong muốn mà không cần phụ thuộc vào người khác hoặc không cần làm việc. Để đạt được điều này, bạn cần có khoản thu nhập thụ động liên tục đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống như đầu tư tài chính, gửi tiết kiệm, góp vốn, kinh doanh, đầu tư vàng, đầu tư bất động sản...
Lọ 6 dành cho từ thiện. Nên dành 5% thu nhập của mình để quyên góp cho các quỹ từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè hoặc các hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Khoản này sẽ không đem lại doanh thu trực tiếp nhưng sẽ nuôi dưỡng tâm hồn và tạo dựng giá trị cá nhân cho mỗi người.
Việc thực hành các nguyên tắc chi tiêu tài chính cần được duy trì đều đặn và kiên trì, biến đây trở thành một thói quen, một lối sống. Nhờ đó, mỗi người có khả năng chi tiêu dựa trên số thu nhập thực tế, biết ưu tiên các hoạt động cần thiết và loại bỏ những hoạt động lãng phí, chủ động chăm lo cho tương lai và sẵn sàng ứng phó với những tình huống phát sinh. Đồng thời, với 10% thu nhập dành cho hưởng thụ, mọi người cũng có ý thức tốt hơn trong việc chăm sóc đời sống tinh thần và gắn kết gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!