Sưu tầm được một cây cảnh ưng ý, anh Phan Văn Toàn (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cảm thấy mình như tìm được một vật báu của đời người.
Thú chơi tao nhã
Khu gia trang của anh Phạm Văn Toàn nằm tại vị trí đẹp của thành phố Việt Trì có rất nhiều loài cây cảnh khác nhau. Đó là cây tùng có tên “ông Bụt” được giới săn cây cảnh coi là bậc “đại trưởng lão” có giá tới 1,2 triệu USD vì có 500 năm tuổi! Theo giới chơi cây, nó được liệt vào hàng cực độc. Thật khó kiếm đâu ra một cổ tùng đẹp hơn thế nữa. Chẳng biết cái giá 1,2 triệu USD kia thật giả thế nào, chuẩn xác đến đâu, nhưng với anh Toàn, “siêu cổ tùng” của anh là vô giá. Hỏi chuyện cây tùng “ông Bụt” được định giá 1,2 triệu USD, Toàn “đô la” cười sảng khoái bảo: “Có đại gia trả giá 1,2 triệu đô la, chứ tôi có bán đâu. Bán nó rồi, tôi tìm đâu ra cây tùng đẹp hơn cây đó nữa”.
Ở Việt Trì, Toàn “đô la” sở hữu 3 khu vườn lớn, cây bét nhất của anh cũng có giá 50 triệu đồng, cây đẹp “tầm tầm” cũng vài trăm triệu đến vài tỷ, còn đẹp nhất có hai cây, gồm cây tùng “ông Bụt” và cây sanh “dáng làng”.
Ăn chơi chẳng ngại tốn kém, từ ngày “trót” ham mê cây cảnh đến nay, Toàn “đô la” đã dốc túi tổng cộng hơn trăm tỷ đồng để rước cây cảnh về nhà. Toàn “đô la” vốn là một ông “vua” khai thác cát sỏi trên sông Lô, cung cấp cho mấy tỉnh miền Bắc, một công việc chả liên quan gì đến nghệ thuật. Ấy vậy mà, đùng một cái anh dính vào thú chơi và buôn cây cảnh. Giới chơi cây cảnh nghệ thuật Phú Thọ định giá tổng giá trị cây cảnh Toàn “đô la” sở hữu lên đến 300 tỷ đồng.
Toàn “đô la” khoe, hồi năm ngoái, anh đã bán một “cổ sanh” với giá 1,1 tỷ đồng, trong khi mấy năm trước anh mua cây ở khu vực Thụy Vân với giá 5 triệu đồng. Cây sanh này vốn mọc hoang dại cằn cỗi ở bờ rào nhà dân.
Quý vật gặp quý nhân
Người xưa có câu “cây đi tìm chủ, quý vật tìm quý nhân”. Từ cái duyên, cái nghiệp đưa đẩy mà anh Toàn đã sưu tầm được những cây cảnh vô cùng độc đáo. Anh Toàn cho rằng, anh là người may mắn có duyên với cây cảnh. Nhiều loại cây cảnh quý ở Việt Nam trước đây thuộc sở hữu của vua, chúa, anh đã kỳ công đưa chúng hội tụ tại vườn “thượng uyển” của mình. Điển hình như cặp khế của vua Gia Long (khoảng 400 tuổi), cây tùng La Hán của vua Quang Trung (600 tuổi), cây Đề, Bằng Lăng từ cung đình Huế mang ra, cây duối hàng trăm năm tuổi được uốn theo hình chữ tâm.
Cây tùng cổ của anh được đặt tên là “độc trụ kình thiên” (cây chống trời) có người trả anh 2 triệu USD nhưng anh không bán. Anh Toàn kể, anh rất vất vả mới mua được cây tùng quý này. Anh mua được cây tùng này ở Tiền Giang. Chủ cây tùng là ông Tám Lữ. Qua câu chuyện của bạn bè, anh biết ông Tám Lữ có cây quý, anh đã cất công vào tận nơi xem.
Gặp anh, chủ nhà vốn là người miền Tây hiếu khách, mở lòng đón anh. Biết anh là người chơi cây cảnh, ông Tám Lữ đối đãi rất tử tế. Biết anh có ý định mua cây tùng, ông Tám Lữ nhất định không đồng ý bán.
Nhiều lần sau anh Toàn trở lại nhà ông Tám Lữ, ông cũng vẫn cứ giữ nguyên cái quyết định không để cây rời chủ. Để lấy lòng chủ nhà, anh Toàn đã phải mua chè hảo hạng ở Tân Cương làm quà. Rồi những tâm sự từ đáy lòng mình là anh như bị cây tùng bỏ bùa mê. Trong giấc ngủ anh cũng mơ đến nó. Anh Toàn còn phải nhờ người thân của chủ cây tác động để ông Tám Lữ đổi ý.
Sau cả chục lần đi lại, vì nể cái tính kiên trì và cảm nhận được tình yêu cây cảnh của anh Toàn, ông Tám Lữ mới đồng ý bán cây tùng này cho anh với giá trên 6 tỷ đồng.
Cây thành bạn tri kỷ
Lần mua cây “ông bụt” ở Nam Định, anh Toàn cũng kỳ công không kém. Tác phẩm này là “người bạn tâm giao” của ông Sinh Búa, thành phố Nam Định. Ông Sinh Búa coi tác phẩm “ông Bụt” như đứa con tinh thần của mình. Lần đầu anh Toàn đến, ông Sinh Búa bắt anh đứng ở xa quan sát, không cho lại gần cây. Những lần sau, anh Toàn lặn lội đặt cao hổ tận bên Lào để làm quà biếu ông Sinh Búa. Anh Toàn phải đi lại cả năm mới có vinh hạnh được “rước ông Bụt” về tư dinh của mình.
Cái ngày anh Toàn cho xe về chở “ông Bụt” về đất Tổ, ông Sinh Búa ngồi thừ bên hiên nhà như bị mất vật quý. Nghe người nhà kể lại, suốt cả tháng trời, ông Sinh Búa cứ đi đi lại lại như người mất hồn. Ông nhớ cây đến lỗi, bắt người nhà chở ông lên nhà anh Toàn để ngắm và cũng là kiểm tra người chủ mới chăm sóc “đứa con tình thần” mà cả đời người ông mới tạo dựng được. “Tôi luôn coi mình là người may mắn vì đã được các cụ thương tình mà giao lại tác phẩm quý cho mình”, anh Toàn cho biết.
Với những cây siêu đắt giá, đại gia này không dám chạm dao kéo vào vì chưa tin vào tay nghề của mình. Anh thuê riêng một “bác sĩ cây cảnh” rất giỏi của Phú Thọ tên là Phương “còi” và trả lương rất cao để anh này chuyên tâm chăm sóc, tỉa tót, khám chữa bệnh cho cây.