Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang - Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật

Kate Trần-Thứ tư, ngày 01/01/2025 14:12 GMT+7

Nhạc sỹ, ca sỹ Minh Quang thuở đó vừa hát phục vụ bộ đội, vừa sáng tác ca khúc cho mình hát, cho đồng đội hát.

VTV- Đại tá, nhạc sĩ Minh Quang công tác tại Tổng cục chính trị, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Với giọng hát truyền cảm, ông vừa hát phục vụ bộ đội, nhân dân, vừa sáng tác.

Thưa nhạc sĩ, ông có thể chia sẻ về cơ duyên đưa ông đến với con đường nghệ thuật và quyết định gắn bó với hình ảnh người lính trong âm nhạc của mình?

Năm 1965, khi tròn 14 tuổi, tôi xin vào làm diễn viên kịch của Đoàn Kịch nói Thanh Hoá. Làm diễn viên kịch được 4 năm, một lần Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị về Thanh Hóa biểu diễn, khi ấy có chị Tường Vi, anh Trần Chất, tôi mê quá, mạnh dạn xin tuyển và rồi… trúng tuyển.

Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang - Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật - Ảnh 1.

Nhạc sỹ Minh Quang (đứng thứ 3 từ bên phải hàng thứ nhất) cùng đồng đội tại Quân khu 2 năm 1979

Những chuyến đi biểu diễn ở khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc từ biên cương tới hải đảo đã mang đến cho tôi nhiều cảm nhận đặc biệt về người lính. Từ đó, tôi nhận ra, hơn cả việc hát là nhu cầu được viết và cho ra đời những bài ca về người lính.

Ký ức nào về những năm tháng quân ngũ đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong các sáng tác của ông?

Gần 40 năm hoạt động nghệ thuật trong màu áo lính, Đại tá, nhạc sĩ Minh Quang đã viết các tác phẩm cho các quân binh chủng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng như Hải quân, Không quân, Bộ binh, Thông tin, Pháo binh, Đặc công, Tăng thiết giáp, Hậu cần...Ông cũng "ba cùng" với anh em bộ đội chiến sĩ ở tất cả các quân binh chủng này, để hiểu về họ, chia sẻ những nhọc nhằn với họ.

Mỗi chuyến đi là những trải nghiệm giúp tôi sáng tác nên các ca khúc về người lính, về cuộc đời quân ngũ, để từ đó góp phần khích lệ, động viên, đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những người lính dũng cảm. Bởi sau những trận chiến đầy gian khó, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết, họ cần một khoảnh khắc, một màu tím, một điệu múa để ru lòng vượt qua đau thương và mất mát.

Ông từng chia sẻ, Hoa sim biên giới chính là thành công đầu tiên và cũng là "tờ giấy thông hành" để ông bước chân vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Ca khúc này, từ ấy cho đến nay vẫn được đông đảo khán giả yêu mến. Câu chuyện nào đã truyền cảm hứng để ông sáng tác nên tác phẩm?

Ca khúc Hoa sim biên giới được hình thành từ hơn 40 năm trước, trong một chuyến công tác tới biên giới phía Bắc phục vụ bộ đội. Chiều hôm ấy, khi biên giới ngơi tiếng súng, không gian yên lặng, tôi đứng nhìn từ ngọn đồi này qua ngọn đồi kia, ở giữa hai ngọn đồi ấy là những thảm hoa sim tím ngắt.

Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang - Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật - Ảnh 3.

Nhạc sỹ Minh Quang và NSƯT Bích Việt tại biên giới phía Bắc

Tôi chợt thấy, sắc hoa tím ngắt kia đúng như nỗi nhớ da diết của người lính về gia đình, về quê hương… nơi tiếp sức mạnh để họ có thể vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh cho Tổ quốc. Và rồi sau đó, câu hát mở đầu: "Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa" hình thành một cách tự nhiên, giản dị như câu nói của những người lính trẻ. Thế rồi cũng chỉ dừng lại ở đó cho đến 4 năm sau - năm 1983, bài hát mới chính thức ra đời. Ấy là nhờ sự cộng tác của anh ruột của trai tôi, nhà thơ Đặng Ái (tên thật là Đỗ Minh Phong), tác giả bài thơ Hoa sim viết theo lời đề nghị của tôi. Hai anh em đã "song kiếm hợp bích" để tạo nên Hoa sim biên giới.

Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang - Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật - Ảnh 4.

Nhạc sỹ Minh Quang (ngoài cùng bên tay trái) chụp cùng anh chị em nghệ sỹ tại Trại Davis - nguyên là trại lính của quân đội Mỹ (nằm gần sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất)

Khác với Hoa sim biên giới, bài hát Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara mang hơi thở giao lưu văn hóa sâu sắc. Ông có thể chia sẻ về quá trình sáng tác và thông điệp mà ông muốn gửi gắm?

Ca khúc Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara là một trường hợp viết theo "đơn đặt hàng" khá thú vị. Năm 1984, tôi được lệnh cùng đơn vị sang Campuchia phục vụ bộ đội ta và quân dân nước bạn. Lúc đó, một cán bộ chỉ huy bàn với tôi: "Sang bên đó mà toàn hát bài hát về Việt Nam thì nhân dân nước bạn chắc khó cảm nhận. Đoàn mình nên có ít nhất một tiết mục phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của bà con bên đó". Tôi hiểu ngay mình được "giao nhiệm vụ" và sau mấy ngày đêm miệt mài, tôi đã hoàn thành ca khúc Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara. Bài hát được thông qua chỉ huy đoàn và được đưa vào chương trình biểu diễn. Bộ đội ta ở bên nước bạn nghe rất xúc động, còn bộ đội và nhân dân nước bạn nhiều người không hiểu tiếng Việt nhưng qua giai điệu và hình ảnh múa phụ họa cũng rưng rưng...Em dịu dàng trong điệu múa Apsara/Anh là người lính tình nguyện mang theo câu hát dân ca/Yêu nhau cởi áo cho nhau… /Apsara ơi điệu múa hay tình đất nước/ Apsara anh từng yêu Campuchia...

Giọng hát Minh Quang vang danh một thời với các bài hát như: Lá đỏ, Hãy yên lòng mẹ ơi, Ta ra trận hôm nay, Củ Chi yêu thương...đã làm say lòng đồng bào chiến sĩ ở khắp các vùng biên giới, hải đảo Tổ quốc trong những năm 70 của thế kỷ 20. Năm 1973, Minh Quang là thành viên Phái đoàn liên hợp quân sự bốn bên tại Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Một tờ báo ở Paris, sau sự kiện đó đã bình luận: "Việt Cộng không phải là cọng đu đủ mà còn hát rất hay".

Một lần đoàn biểu diễn ở Phnom Penh, khi bài hát Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara vừa dứt, đồng chí Thứ trưởng Bộ quốc phòng Campuchia đã bước lên sân khấu nghẹn ngào nói lời cảm ơn, rồi ôm lấy tôi mà khóc. Đúng là có ở trong hoàn cảnh ấy, hay chính xác hơn là có chứng kiến sự hy sinh và lòng dũng cảm của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia mới thấy hết tình cảm giữa quân dân hai nước.

Hình ảnh Cây đàn ghita một dây xuất hiện thật đặc biệt. Phải chăng đó là biểu tượng cho sự sáng tạo trong nghệ thuật giữa những khó khăn, thưa ông?

Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang - Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật - Ảnh 6.

Nhạc sĩ Minh Quang bên cây đàn yêu thích của mình.

Cây đàn ghita một dây có thể được xem như là ca khúc "độc quyền" của những người lính nơi hải đảo. Trong một lần ra đảo, tôi bắt gặp hình ảnh những người lính đang say sưa văn nghệ với "nhạc cụ" là nồi, niêu, xoong, chảo và duy nhất cây đàn ghi ta chỉ còn một dây. Bắt được cái tứ ấy, lập tức giai điệu của bài hát ngân lên: Chỉ lính đảo xa mới có/Đàn ghi ta một dây/Chỉ lính đảo xa mới hát/Đàn ghita một dây/Hát cho hoàng hôn xuống/Hát cho mặt trời lên...".

Những ân tình của đồng đội nơi bước chân tôi đến chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để tôi viết. Từ nụ cười rạng rỡ lúc đón chào, cho đến ánh mắt lưu luyến lúc chia xa; Một tiếng còi tàu rúc lên trên bến cảng buổi chiều cũng cho tôi một nỗi bâng khuâng; Những ngày lênh đênh trên biển, giữa mênh mông trời nước… đều gợi cho tôi nhiều suy ngẫm về con người, về đời sống, về dân tộc.

Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang - Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật - Ảnh 7.

Đám cưới của Nghệ sỹ Minh Quang - NSƯT Tuyết Mai

Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang - Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật - Ảnh 8.

Ca sĩ, nhạc sỹ Đỗ Quang Thái - Con trai cả của Nhạc sỹ Đỗ Minh Quang

Đặc biệt, những người lính tôi gặp nơi nhà giàn, sự hy sinh của họ chính là biểu hiện cao nhất về tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Viết là cách để tôi nhắc nhở chính mình rằng, chúng ta không bao giờ được lãng quên những con người đã hiến dâng tuổi xuân, xương máu của mình cho Tổ quốc.

Sông Lô chiều cuối năm - ca khúc luôn làm lay động trái tim bao người yêu nhạc suốt hơn 40 năm qua. Điều gì đã thôi thúc ông viết về dòng sông lịch sử đầy bi tráng nhưng thấm đẫm hồn thơ, man mác buồn nhưng không ủy mị, vẫn đậm chất hào sảng, chất lính như vậy?

Sự ra đời của ca khúc Sông Lô chiều cuối năm là một kỷ niệm khó quên. Ấy là vào năm 1993, tôi đến Tuyên Quang giúp đoàn nghệ thuật tỉnh nhà dàn dựng chương trình kịp phục vụ một sự kiện quan trọng. Trong một chiều lang thang bên bờ sông Lô, đoạn chảy ngang thị xã Tuyên Quang để ngắm cảnh. Dòng sông Lô về cuối năm chảy êm đềm, hờ hững như vương như vấn. Bỗng tôi thấy một tờ giấy trắng bị giắt vào một thân gỗ đang trôi trên sông. Mảnh giấy trắng khiến tôi liên tưởng đến một phong thư và thế là... Sông Lô chiều cuối năm ra đời.

Ca khúc mang hơi thở hoài niệm, mang âm hưởng hùng ca của một thời chinh chiến: Sông Lô chiều cuối năm bất chợt gặp câu thơ ai bỏ quên giữa dòng/Câu thơ nói về một người con gái, bao năm tháng chờ đợi người lính ấy sao mãi không về...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đại tá, nhạc sĩ Đỗ Minh Quang - Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật - Ảnh 9.

Nhạc sỹ Minh Quang nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật vào năm 2012

Đại tá, nhạc sĩ Minh Quang sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống âm nhạc. Ông nội của nhạc sĩ là Đỗ Văn Mẫn - là nghệ sỹ tuồng. Nhạc sỹ có một người anh trai đam mê văn chương và đã ảnh hưởng rất lớn đến ông. Đó là nhà văn Đặng Ái (tên thật là Đỗ Minh Phong). Sau này, các thành viên trong gia đình nhỏ của ông đều theo con đường nghệ thuật và phục vụ trong quân đội. Vợ ông là Đại tá, NSƯT, biên đạo múa Tuyết Mai; con trai cả của ông là ca sĩ, nhạc sĩ Quang Thái, công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, từng đoạt giải Tiếng hát Truyền hình Hà Nội; Huy chương vàng tại Hội diễn chuyên nghiêp toàn quân. Trong lĩnh vực sáng tác Quang Thái có nhiều tác phẩm như " Tình Yêu Đầu" và đặc biệt là "Giấc Mơ Bình Yên"...Còn con trai thứ Mai Sơn thì theo chuyên ngành trống...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước