Năm 2006, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Cho đến nay, chúng ta đã có 9 di sản tư liệu được vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Di sản tư liệu - tiếng nói từ ký ức đang được hậu thế gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa giá trị, bắt rễ vào trong đời sống ngày hôm nay.
Ngay sau khi thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nỗ lực bảo tồn di sản này thông qua việc đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giúp người dân cũng như du khách hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của nguồn tài liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Một trong những công tác bảo tồn phát huy hiệu quả nổi bật đó là việc số hóa các nguồn tư liệu thơ văn hiện có. Cụ thể bằng việc quét mã QR khi đến các điểm di tích, mỗi người có thể dễ dàng tra cứu và tìm hiểu sâu hơn về những áng thơ văn độc đáo này.
Với đặc thù nằm trên những công trình cổ nên hiện nay hệ thống di sản này vẫn đang chịu sự tác động của thời gian, khí hậu. Hiện các cơ quan chuyên ngành bảo quản và bảo tồn đang nỗ lực nghiên cứu giữ gìn bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là sơn thếp bằng chất liệu truyền thống, hoặc sơn son thếp bằng vàng thật ở các công trình quan trọng, bảo quản các bức tranh và thơ văn trên pháp lam, tôn tạo, giữ gìn những bức tranh thơ ghép bằng sành sứ…
Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi lưu giữ 82 Văn bia tiến sĩ triều Lê Mạc - di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình ký ức thế giới của UNESCO. Điểm đến này chuẩn bị đón khách về đêm với công nghệ 3D Mapping tái hiện câu chuyện đạo học Việt Nam..., giúp khách tham quan tìm hiểu một cách kỹ càng và đầy thú vị về trường Đại học đầu tiên của Việt Nam trong môi trường "ảo mà như thật".
Theo định nghĩa của Unesco: tư liệu là di sản của quá khứ để lại cho thế giới trong hiện tại và tương lai. Để di sản ngủ yên trong sự kính ngưỡng cũng là lãng phí. Và ngược lại, đánh thức di sản không chỉ làm bền chặt sợi dây gắn kết giữa hiện tại và quá khứ mà còn làm mạnh thêm văn hóa dân tộc - động lực cho phát triển .
Năm 2012, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được Ủy ban UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới. Di sản này không chỉ là báu vật của đất nước Việt Nam mà còn là tài sản văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên toàn thế giới tiêu biểu cho tư tưởng triết học, nhân văn của người phương Đông suốt từ những năm đầu thế kỷ XIII đến nay. Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều nhà nghiên cứu, các vị thiền sư Việt Nam và một số nước trên thế giới đã tìm về Vĩnh Nghiêm để xem xét, nghiên cứu, phát huy những giá trị của kho mộc bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tư tưởng, giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm luôn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, truyền dạy, hòa nhịp với cuộc sống đương đại
Tháng 3 năm nay tròn 30 năm Chương trình ký ức thế giới của UNESCO và 16 năm Việt Nam tham gia vào chương trình này. Trải qua bao thăng trầm thời gian cùng những biến đổi của lịch sử, nhiều khối di sản tư liệu đã không còn nguyên vẹn mà bị hư hại, mất mát. Song những gì còn lưu giữ đến hôm nay chính là nguồn tài sản vô giá phản ánh thành tựu sáng tạo của đất nước, dân tộc qua các thời kỳ khác nhau. Vì thế cần thổi hồn cho di sản, để di sản tư liệu có thể kể những câu chuyện của chính mình một cách sinh động, gần gũi, chinh phục nhiều đối tượng công chúng. Hành trình này cần sự tận tâm của thế hệ hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!