Đạo diễn Người phán xử: "Phim mua kịch bản nước ngoài là chọn tinh hoa trong tinh hoa"

PV/Ảnh: NVCC-Thứ tư, ngày 05/07/2017 16:31 GMT+7

VTV.vn - Theo đạo diễn Danh Dũng, khi mua kịch bản để chuyển thể Việt hóa, các nhà sản xuất đã có sự lựa chọn kỹ lưỡng. Do đó, việc bộ phim cuốn hút khán giả cũng là điều dễ hiểu.

Lên sóng từ ngày 23/3, bộ phim Người phán xử hiện đã đi được hơn nửa chặng đường. Tuy nhiên, tên bộ phim hiện vẫn là một trong những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên Google.

Nói về phản hồi tích cực của khán giả dành cho bộ phim, đạo diễn Danh Dũng – một trong ba đạo diễn phim Người phán xử - cho biết, anh không quá bất ngờ trước thành công mà bộ phim đạt được tới thời điểm hiện tại, bởi ê-kíp phần nào đã hình dung ra điều đó khi mới đọc kịch bản phim.

"Khi làm, chúng tôi biết được bộ phim ở mức độ nào" – đạo diễn Danh Dũng cho hay - "Kịch bản gốc của bộ phim Người phán xử rất hay. Giống như đạo diễn Khải Anh từng nói - vừa đọc xong là muốn đi làm phim ngay, cả đạo diễn Đỗ Thanh Hải và các đạo diễn khác cũng rất tâm đắc với kịch bản này".

"Khi đọc kịch bản, chúng tôi cũng đã mường tượng đây sẽ là sản phẩm tốt. Nhưng ở đây, chúng ta cũng cần xét tới cả yếu tố đầu tư về diễn viên, với việc quy tụ rất nhiều gương mặt tài năng, từ những nghệ sĩ gạo cội như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh... đến dàn diễn viên trẻ như Hồng Đăng, Việt Anh.... Sự đầu tư cho bộ phim này ngay từ đầu đã có sự tương xứng với kịch bản".

Theo đạo diễn Danh Dũng, một trong những yếu tố khác giúp phim Người phán xử thành công nằm ở sự mới lạ trong đề tài khai thác. "Từ trước tới nay, trong phim Việt, những người đại diện cho pháp luật luôn đóng vai trò chính. Nó đã bị đóng hộp trong khuôn khổ định hình sẵn. Vì thế, nếu làm theo kiểu chính thống thì khán giả sẽ chán do ăn quen những món ăn này rồi", anh phân tích.

"Trong khi đó, với Người phán xử, dù cũng làm về đề tài hình sự nhưng góc nhìn được lật ngược lại. Vai trò của các nhà thực thi pháp luật là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề bộ phim, song những nhân vật chính của phim lại thuộc về thế giới ngầm. Lần đầu tiên khán giả được biết về thế giới ngầm một cách tròn trịa, bởi các nhân vật thuộc đủ mọi loại thành phần, được xây dựng rõ ràng, mạch lạc và ấn tượng".

"Ngoài ra, thời điểm phát sóng phim cũng rất quan trọng. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có những yếu tố đó thì phim mới thành công. Kể cả phim có hay nhưng phát sóng đúng lúc có World Cup, giải ngoại hạng Anh hay chương trình giải trí hot thì cũng "đứt"", đạo diễn Danh Dũng lý giải về sức hấp dẫn của bộ phim Người phán xử.

Đạo diễn Người phán xử: Phim mua kịch bản nước ngoài là chọn tinh hoa trong tinh hoa - Ảnh 1.

Đạo diễn Danh Dũng (giữa) trao đổi kịch bản với các diễn viên phim Người phán xử

Một điểm đặc biệt của phim Người phán xử là được mua kịch bản chuyển thể từ nước ngoài. Liệu yếu tố đó có góp phần tạo nên điểm mới lạ, hấp dẫn khán giả đến với bộ phim?

Đạo diễn Danh Dũng: Kịch bản Người phán xử dù được nước nào làm, ở đâu thì vẫn là một kịch bản tốt. Nó có nhiều chất liệu để các nhà làm phim khai thác. Tác giả kịch bản gốc đã xây dựng và đình hình tính cách nhân vật rõ ràng. Đây là ưu việt mà kịch bản trong nước hiện nay chưa làm được.

Kịch bản mình mua vì thấy hay, nhưng cái hay đó chỉ phù hợp với văn hóa của đất nước đó. Khi về Việt Nam, mình phải nắm bắt thị hiếu của người xem, biết cái nào làm được, cái nào không làm được, bởi ngoài chức năng giải trí, phim truyền hình còn có chức năng định hướng. Mình không thể loại trừ vấn đề luật pháp. Đó là điều quan trọng.

Hấp dẫn nhưng không quá đà, không gây phản cảm là điều lãnh đạo Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam và các đạo diễn cân nhắc kỹ để giúp bộ phim phù hợp với văn hóa và luật pháp Việt Nam.

Về vấn đề Việt hóa kịch bản, chúng ta đã làm rất kỹ. Ở phần đầu phim, có thể việc dịch chuyển thể chiếm tới 70 – 80% nhưng đến phần 2 thì không vậy. Với định hướng làm sâu về tâm lý nhân vật, kịch bản được làm mới. Chúng tôi đã phải bắt tay vào xây dựng lại kịch bản.

Viết về đề tài hình sự, Việt Nam cũng có nhiều phim. Tuy nhiên, ít phim có thể tạo được hiệu ứng lớn như Người phán xử. Theo anh, yếu tố nào giúp phim được mua kịch bản chuyển thể từ nước ngoài hấp dẫn khán giả như vậy?

Đạo diễn Danh Dũng: Kịch bản mua từ nước ngoài về để làm phim truyền hình hay điện ảnh đều chứa những yếu tố thu hút khán giả. Những kịch bản đó đã được nhà sản xuất chắt lọc, không phải cái nào họ cũng mua. Đó là sự lựa chọn những cái tinh hoa trong tinh hoa và đã được chính khán giả thẩm định.

Ở Việt Nam, chúng ta có thể làm 100 phim trong một năm, nhưng những nhà sản xuất nước ngoài nếu có mua kịch bản của chúng ta thì họ cũng chỉ chọn 2 – 3 phim thôi và đó là những phim hay nhất. Tương tự, các nhà làm phim Việt cũng chỉ chọn mua những kịch bản xuất sắc nhất, có thể chuyển đổi Việt hóa để mang về Việt Nam.

Nhưng thực tế không phải khán giả nào cũng biết phim mình đang xem được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài ngay từ đầu...

Đạo diễn Danh Dũng: Đúng vậy, có thể trong 10 người xem phim chỉ có 2 người biết đó phim chuyển thể. Sau khi xem rồi thấy hay, họ mới lên mạng xem để biết đó là phim chuyển thể.

Đạo diễn Người phán xử: Phim mua kịch bản nước ngoài là chọn tinh hoa trong tinh hoa - Ảnh 2.

Vậy có nên đặt câu hỏi tại sao kịch bản phim do người Việt viết chưa cuốn hút khán giả? Do đề tài hay bởi đội ngũ biên kịch?

Đạo diễn Danh Dũng: Chúng ta cũng không thiếu biên kịch giỏi. Nhưng khi cứ viết mãi, viết nhiều, thậm chí một năm họ có thể viết tới vài kịch bản và sự đầu tư không tốn thời gian thì việc chất lượng kịch bản kém là điều dễ hiểu. Giá kịch bản ở Việt Nam quá rẻ, kịch bản cho một bộ phim 30 tập được khoảng hơn một trăm triệu. Đầu tư cho cả năm như thế thì chết nên họ phải chạy theo. Bản thân tôi từng có tham vọng làm phim chiếu rạp mà 3 năm nay vẫn không tìm được kịch bản hay, tự viết cũng không làm mình hài lòng được.

Hơn nữa, vốn sống, thực tế xã hội hạn chế cũng là một vấn đề với biên kịch. Phim là một quá trình logic từ thực tế xã hội thành phim, thành sản phẩm văn hóa nên yếu tố xã hội rất quan trọng. Anh có đi thực tế không hay chỉ đi tìm thông tin trên mạng để viết kịch bản?

Ngoài ra, định dạng cho một kịch bản rất quan trọng. Khán giả giờ không như ngày xưa, họ không thích thể loại kiểu hài mà không có tình huống, không có vấn đề, sự kiện. Kịch bản phải tìm ra được thị hiếu, yêu cầu của khán giả, biết khán giả muốn gì, cần gì. Trên mạng cái gì cũng có nên đòi hỏi những người làm phim để tồn tại thì ngoài đam mê phải có cả nỗ lực cực kỳ lớn.

Từ đạo diễn đến diễn viên, chúng ta phải luôn đòi hỏi sự cống hiến hết mình cho khán giả, không thể dễ dãi được vì như vậy là không tôn trọng khán giả. Khi không tôn trọng khán giả, họ sẽ quay lưng lại với mình. Đó cũng là yếu tố sống còn với phim truyền hình.

Tôi nghĩ phim trong nước cũng nhiều phim hay nhưng điều dẫn dắt khán giả đến rạp hay ngồi trước màn hình TV giờ còn nằm ở khâu quảng bá cho phim. Nhiều khi mình quên phải tạo được sự tương tác với khán giả, tạo hiệu ứng để khán giả tập trung vào phim. Khán giả có chất kích thích thì sẽ tập trung vào phim, tập trung rồi thì sẽ thấy phim hay hơn thôi.

Kể từ khi phim truyền hình ra đời, tất nhiên có lúc nổi lúc chìm nhưng bao nhiêu năm nay vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả. Để có được điều đó là nhờ sự chuyển động không ngừng trong đội ngũ những người làm phim. Tôi nghĩ phim truyền hình sẽ sống mãi nhưng phải chuyển sang nấc thang khác, đòi hỏi người làm phải nỗ lực hơn bởi tính cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt.

Trong tương lai gần, anh có đặt kỳ vọng sẽ xuất hiện của một kịch bản phim Việt có thể tạo được hiệu ứng ấn tượng như Người phán xử?

Đạo diễn Danh Dũng: Có chứ! Rất nhiều. Trong cuộc sống có nhiều đề tài, kể cả khi anh khai thác lại một đề tài người khác đã làm nhưng với góc nhìn khác, thời điểm khác thì bộ phim cũng vẫn hay.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước