Dịp Tết vừa qua, phim Việt ra rạp lần đầu tiên được gắn nhãn mác giới hạn độ tuổi. Anh có đồng tình với điều này?
- Việc gắn nhãn mác phân loại loại phim và độ tuổi khán giả cho phim là một điều cần thiết và nên làm. Việc này có lợi cho cả ba bên là nhà sản xuất, khán giả và đạo diễn. Nhà sản xuất sẽ xác định được đối tượng của mình hướng đến để đầu tư kinh phí và không phải nơm nớp lo sợ phim sẽ bị cắt nhiều khi mang đi kiểm duyệt. Khán giả khi đến rạp sẽ xác định được phim mình xem, có phù hợp với mình hay không, liệu có phản cảm hay không. Đạo diễn cũng xác định được khán giả của mình là ai để có thể có những chỉ đạo cảnh quay phù hợp.
Ngay trong dịp Tết vừa qua, có ba bộ phim Việt xuất xưởng được gắn nhãn mác giới hạn độ tuổi. Nhiều nhà sản xuất nhận định, điều này giảm lợi nhuận của họ. Anh nghĩ sao?
- Theo tôi, giai đoạn đầu, bất kỳ điều gì cũng vấp phải khó khăn. Tuy nhiên, theo thời gian sẽ có sự điều chỉnh phù hợp và khi đã quen thì mọi việc trở nên bình thường. Bây giờ, khán giả đã khác trước rất nhiều. Có nhiều phim để lựa chọn nên phim hay, đầu tư nhiều, đáp ứng được thị hiếu... thì sẽ thu hút được khán giả. Thời gian qua, đã có rất nhiều phim Việt ra rạp thất bại về doanh thu. Điều này khiến những người làm phim phải có cái nhìn rõ ràng và công bằng để thay đổi phù hợp.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Cũng có ý kiến cho rằng, việc gắn nhãn mác giới hạn độ tuổi cho phim sẽ rất khó, có thể không công bằng. Bởi việc kiểm duyệt phim ở nước ta còn mang nhiều cảm tính?
- Tôi không dám chắc việc dán nhãn mác hạn chế tuổi sẽ đảm bảo công bằng cho tất cả các phim. Hay, điều này sẽ giúp việc kiểm duyệt phim đỡ gắt gao và không bị yêu cầu cắt. Ngay trước đây, có rất nhiều bộ phim qua khâu kiểm duyệt phải cắt đi nhiều phần gây biến dạng bộ phim. Việc gắn nhãn mác giới hạn độ tuổi sẽ giảm đi phần nào chuyện cắt nội dung khi kiểm duyệt. Là người làm phim, tôi cũng mong muốn sẽ được xem những bộ phim hoàn chỉnh chứ không phải bị cắt bỏ đi nhiều.
Nhiều người nhận xét việc gắn nhãn mác cho phim sẽ trở thành miếng mồi câu khách của các nhà sản xuất phim. Anh nghĩ sao?
- Những năm gần đây, việc thu hút khán giả bằng kinh dị, tình dục, bạo lực... là có. Thậm chí, các yếu tố này còn được xem là công thức thu lợi nhuận cho các nhà sản xuất. Đối với đạo diễn, tạo ra một bộ phim hay, thu hút khán giả, được đánh giá cao là mục tiêu. Trong khi đó, nhà sản xuất thì lợi nhuận là trên hết.
Do đó, việc lấy nhãn mác có thể là 18+ để gây tò mò của khán giả là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí, tôi cũng từng nghe đến ý kiến, việc dán nhãn mác sẽ tạo điều kiện cho các bộ phim bạo lực, tình dục tràn ngập thị trường. Điều này là có thể xảy ra. Để tránh, cần có những quy chế, văn bản quy định rõ ràng, phù hợp.
Phim Việt mùa Tết nói riêng và phim Việt nói chung đang dần mất vị thế ngay trên sân nhà. Là một đạo diễn, anh nghĩ làm thế nào để phim Việt có thể cạnh tranh với phim ngoại?
- Phim Việt cũng có những bộ phim được khán giả lẫn nhà chuyên môn đánh giá cao, thu hút đông đảo người xem. Việc sản xuất một bộ phim ăn khách là rất khó. Đối với phim ảnh, khi ra rạp rất khó đoán định thắng thua về doanh thu. Ngay thị trường Hollywood, mỗi năm sản xuất ra cả ngàn bộ phim cũng chỉ có vài bộ phim gây được ấn tượng.
Bây giờ, thị hiếu khán giả cao hơn trước, họ đòi hỏi chất lượng, khó tính với tác phẩm. Chính điều này buộc đạo diễn và ê-kíp của mình phải tạo ra được những tác phẩm chất lượng, chuyên nghiệp chứ không phải chỉ chú trọng khai thác những cảnh nóng. Tôi tin, một bộ phim hay, hội tụ đầy đủ yếu tố thì bộ phim sẽ được khán giả đón nhận.
Xin cảm ơn anh!