Trước đây ông đã từng thành công với phim Mùi đu đủ xanh với gian bếp của người Việt, bây giờ khi qua phim Muôn vị nhân gian với gian bếp của người Pháp thì có sự khác biệt trong phong cách làm phim không?
Phong cách làm phim thì tôi không biết. Còn chuyện khác biệt như thế nào thì tất nhiên là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Mùi đu đủ xanh là phim về cuộc đời phụ nữ Việt Nam. Còn Muôn vị nhân gian từ cuốn sách The Life and Passion of Dodin-Bouffant, Gourmet năm 1924 của nhà văn của Thụy Sĩ Marcel Rouff viết về ẩm thực Pháp, tôi giữ lại tên của nhân vật, những trang viết về món ăn, các đoạn thảo luận về ẩm thực. Còn lại tôi hoàn toàn tự do sáng tạo ra một câu chuyện tình cảm của hai nhân vật Dodin và Eugénie ở giai đoạn trước thời điểm viết trong cuốn sách.
Khi ông làm một bộ phim về ẩm thực và tình cảm của người Pháp mà nhận được tràng pháo tay kéo dài 7 phút ở Liên hoan phim Cannes và người Pháp cử đi tranh giải Oscar thì chứng tỏ bộ phim đã ẩn chứa bên trong câu chuyện ẩm thực là tầng sâu văn hoá. Ông cảm nhận khán giả có sự thay đổi khi xem những thước phim chuẩn mực về ẩm thực của ông?
Tôi không quan tâm chuyện đó. Điều quan trọng khi làm phim thì phải làm ra một bộ phim hay. Tôi phải học hỏi rất nhiều, đọc rất nhiều sách về ẩm thực Pháp và trao đổi với nhiều người chuyên môn. Khi viết kịch bản thì tôi làm việc với một người học chuyên về lịch sử ẩm thực để chắc chắn rằng món ăn mình đưa vào phim phải của thời điểm đó, không thể bị sai thời gian. Tất cả những điều đó liên quan đến hiểu biết mà mình cần phải nghiên cứu kỹ. Còn việc làm sao để thành một bộ phim hấp dẫn khán giả thì là nghề nghiệp đạo diễn.
Đạo diễn Trần Anh Hùng nổi tiếng với phong cách làm phim duy mỹ, nhịp điệu chậm rãi, cú máy dài theo một cốt truyện đơn giản nhưng nhiều tầng ý nghĩa.
Cảm xúc của ông như thế nào khi bộ phim ra mắt khán giả Việt Nam?
Tôi rất vui được về Việt Nam để chiếu phim. Dù lịch trình dài nên mệt một chút cũng không sao, bởi vì quá trình ra mắt này có ý nghĩa tinh thần lớn. Tôi không phải là người làm phim nhiều, 5-7 năm mới có một phim nên mỗi lần về chiếu phim ở Việt Nam luôn là giây phút rất quan trọng đặc biệt. Tôi mong rằng khán giả vào rạp xem phim có 2 tiếng đồng hồ xứng đáng với tình yêu dành cho điện ảnh.
Ông đặt kỳ vọng như thế nào khi bộ phim chiếu ở Việt Nam?
Tôi rất muốn càng nhiều người Việt đi xem càng tốt. Mỗi bộ phim của tôi là một món quà cho khán giả. Tôi mong mọi người sẽ nhận món quà đó. Tôi không lo việc khác biệt văn hóa khi chiếu phim về ẩm thực Pháp cho khán giả Việt xem, vì Muôn vị nhân gian là câu chuyện nhân văn và có thể chia sẻ với bất cứ đất nước nào.
Tại sao ông chọn đề tài ẩm thực để làm phim?
Tôi có ý tưởng làm phim về ẩm thực vì thích nhìn nhân vật làm việc. Trong quá trình nấu bếp, họ phải nhanh chóng xử lý các công đoạn nguy hiểm như con dao sắc, nước nóng, bếp lửa… , đồng thời phải di chuyển nhanh. Tất cả những sự tất bật đó tạo ra nhịp điệu rất phù hợp với điện ảnh. Vì thế tôi muốn những cảnh quay nấu nướng phải chân thật để tạo cảm xúc thú vị và mới cho người xem. Ẩm thực là nghệ thuật có tính chính xác, và tôi có thể cho khán giả thấy các công đoạn nấu trên màn ảnh một cách chân thật nhất.
Ông có phải là người nấu ăn giỏi không?
Tôi nghiên cứu nhiều về ẩm thực bằng cách là… ăn nhiều chứ tôi không biết nấu chút nào. Ở nhà tôi, bà xã Yên Khê nấu ăn nấu rất ngon. Cô ấy cũng thường mời bạn bè đến nhà cùng ăn uống và trò chuyện. Khi đó Yên Khê chuẩn bị nấu cả ngày cũng giống như cảnh đầu phim Muôn vị nhân gian. Và tôi là người phụ bếp cho vợ.
Đạo diễn Trần Anh Hùng chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên chính Benoît Magimel trong phim "Muôn vị nhân gian"
Ông đã làm thế nào để cân bằng các chi tiết ẩm thực và câu chuyện muốn truyền tải?
Thử thách đầu tiên của tôi là làm sao tạo sự cân bằng. Bởi vì thường là người ta làm phim bắt đầu bằng ẩm thực nhưng diễn biến câu chuyện sau đó quan trọng hơn nên "nuốt mất" những cảnh quay liên quan bếp núc. Tôi muốn những cảnh quay nấu ăn, thưởng thức các món ăn phải thật nhiều và đạt được độ cân bằng.
Tôi phải xác định ý tưởng rõ ràng để kích thích sự sáng tạo của mình để có độ "nguy hiểm". Tôi luôn nói với chính mình, là phải làm một bộ phim đạt đến mức độ người sau khi muốn làm về ẩm thực sẽ rất khó cho họ để vượt qua Muôn vị nhân gian. Cách làm việc của tôi là không bao giờ chuẩn bị một cảnh quay cụ thể mà đến trường quay mới nghĩ ra cách thể hiện tốt nhất. Tôi làm ngay lập tức vào lúc đó. Tôi không có ý nghĩ trước rồi đến trường quay là bắt tay vào làm. Chẳng hạn những cảnh quay hai nhân vật chính trò chuyện trên đồng cỏ là giây phút ngẫu hứng tôi viết kịch bản tại chỗ trên phim trường và quay ngay khi bắt gặp cảnh đẹp.
Ngay cả cảnh nấu tiệc cầu kỳ, thịnh soạn khá dài và chi tiết ở đầu phim cũng hoàn toàn ngẫu hứng hay sao?
À, riêng cảnh này thì tôi phải chuẩn bị trước vì phức tạp ở vấn đề kỹ thuật. Chẳng hạn trong cùng một cú máy mà tôi muốn đi từ món ăn này sang món ăn khác, thì món tiếp theo phải đang chín đúng lúc để đưa lên bàn ăn vừa ngon vừa đẹp mắt. Đây chính là điều phức tạp để tạo được sự hoàn hảo trong các bước di chuyển của nhân vật trong cảnh quay đó, để khán giả có thể nhìn thấy cơ thể, độ duyên dáng tay chân và khuôn mặt. Tôi phải quyết định tính thẩm mỹ của các góc quay, những dụng cụ trong nhà bếp như dao, muỗng, nĩa… được đặt đúng chỗ cần xuất hiện trên khung hình mà không bị mất nhịp phim. Điều này khó nhưng thú vị.
Đạo diễn tài năng tiết lộ ông đã "gõ cửa" các nhà đầu tư lớn suốt 7 năm để tìm đủ chi phí thực hiện bộ phim về ẩm thực Pháp.
Những câu chuyện làm phim rất kỳ công này của ông luôn tạo nhiều cảm hứng lớn cho các nhà làm phim trẻ, nhất là những đạo diễn trẻ làm phim độc lập, theo dòng phim nghệ thuật. Là người thường xuyên tiếp xúc với các thế hệ làm phim Việt trong nhiều năm qua, ông thấy họ có sự khác biệt gì?
Giới trẻ bây giờ rất hay, chẳng hạn như Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân… và nhiều bạn chưa xuất hiện. Nhưng tôi tin trong tương lai họ sẽ là thế hệ rất tuyệt vời. Các chính sách cần quan tâm nhiều hơn cho điện ảnh, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những bạn trẻ làm việc. Bởi vì làm phim là môn nghệ thuật rất khó, cho nên mình không nên cộng thêm khó khăn cho các bạn, mà ngược lại nên giúp đỡ, hỗ trợ về tài chính... Vì một nước như Hàn Quốc có những bộ phim mạnh như Ký sinh trùng thắng nhiều giải lớn ở Hollywood là do chính sách ủng hộ rõ ràng từ chính phủ... thì mới có được thành quả.
Đó có phải là lý do mà ông thường xuyên về Việt Nam để dạy các lớp cho các nhà làm phim trẻ không?
Tôi không đào tạo cho ai cả vì bản thân các bạn trẻ phải muốn làm một cái gì đó trước. Tôi về Việt Nam để các bạn trẻ ấy phủi bụi cho mình thôi. Mình phải nghĩ ra nhiều cái khác, chứ không thể luôn luôn sống với những gì mình đã biết, đã có. Khi mình nói ra những điều mình đã làm, chia sẻ với các bạn thì mình thấy mọi việc mình đã làm trở nên bình thường. Điều đó giúp mình được phủi bụi.
Cám ơn những chia sẻ của ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!