Dấu ấn Lưu Quang Vũ với sân khấu Việt Nam

Minh Trang-Thứ năm, ngày 12/09/2013 20:00 GMT+7

 Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt một lần nữa được Nhà hát kịch Việt Nam diễn mở màn cho “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ” nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông.

Mượn câu chuyện dân gian cùng tên để xây dựng kịch bản nhằm phê phán một số biểu hiện lệch lạc trong lối sống xã hội, những tiêu cực của bộ phận quan chức lúc bấy giờ, ngay từ khi công diễn lần đầu tiên cách đây 30 năm, vở kịch đã tạo được tiếng vang lớn khiến nhiều thế hệ khán giả ấn tượng, ám ảnh và day dứt cho đến tận bây giờ.

Đạo diễn Tú Mai chia sẻ: “Có thể nói vở diễn Hồn Trương Ba, da hàng thịt của tác giả Lưu Quang Vũ đã ra đời cách đây ba thập kỷ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự, những vấn đề được Lưu Quang Vũ đề cập dường như không phải là của ngày hôm qua, mà là chính những gì đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay. Những nhân vật của Lưu Quang Vũ như có thể bắt gặp ở ngay xung quanh, bên cạnh chúng ta, hoặc thậm chí là trong chính con người mình”.

Trong kịch bản của Lưu Quang Vũ, hiện thực cuộc sống được tái hiện trung thực, nhiều khi đến nghiệt ngã, thể hiện khả năng nắm bắt những vấn đề nóng bỏng một cách nhanh nhạy, sắc sảo và tinh tế. Các tác phẩm đã nói được nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đề cập nhiều vấn đề trước kia người ta thường né tránh.

NSƯT-Đạo diễn Trần Minh Ngọc, Chủ tịch HĐNT - Hội Sân khấu TP.HCM nhận xét: “Về mặt học thuật, phong cách sáng tác của Lưu Quang Vũ là một mẫu mực để các tác giả sau này học tập. Tôi đã từng nhiều lần gặp gỡ Lưu Quang Vũ, ngay từ khi còn là một tác giả trẻ, cậu ấy đã nói với tôi “Năm nay sẽ viết xong 8 tác phẩm” và quả thực là Vũ đã làm được. Phải nói là sức sáng tạo của Vũ cho đến bây giờ vẫn là độc nhất, những câu chuyện Vũ phản ánh đều thể hiện tư duy và tài năng tột bậc, mang sứ mệnh đấu tranh của nghệ thuật sân khấu”.

Căn phòng nhỏ tại nhà PGS.TS Lưu Khánh Thơ, em gái cố tác giả Lưu Quang Vũ còn lưu lại phần lớn di sản, di cảo của ông. Năm 29 tuổi, Lưu Quang Vũ hoàn thành tác phẩm đầu tiên Sống mãi tuổi 17. Ở tuổi 40, ông qua đời, để lại cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam 57 kịch bản dài ngắn các thể loại, trong đó có các tác phẩm đỉnh cao như Lời thề thứ chín, Ông không phải bố tôi, Nàng Sita... được PGS.TS Lưu Khánh Thơ trân trọng, nâng niu. Những trang bản thảo viết tay vẫn còn nguyên dấu vết sửa chữa, những dòng chữ đánh máy trên nên nền giấy ố vàng là tài sản vô giá đối với nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

“Lưu Quang Vũ đã sớm bộc lộ khả năng và xây dựng ý thức trở thành một người nghệ sĩ. Anh viết tất cả các tác phẩm, các thể loại từ hài kịch, kịch dài, kịch ngắn, những câu chuyện dựa trên tích dân gian đến lịch sử, nhưng cùng có chung một trăn trở về nhân tình thế thái, đều phản ánh góc nhìn sắc cạnh, anh cho rằng mình có sứ mệnh nói thay tiếng lòng, những bức bối của con người trong xã hội thời đó”, PGS.TS Lưu Khánh Thơ bộc bạch.

Với năng lực sáng tạo dồi dào, phong phú hiếm thấy, Lưu Quang Vũ được xem là một “hiện tượng”, làm thay đổi diện mạo của nghệ thuật sân khấu Việt Nam những năm 80. Những dòng chữ, những tấm ảnh đã cũ mờ, nhưng cống hiến mà Lưu Quang Vũ để lại cho nghệ thuật, cho xã hội sẽ sống mãi, như tựa đề của vở kịch cuối cùng còn dang dở Chim sâm cầm không chết.

Mời quý khán giả xem video chi tiết dưới đây.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước