Theo thời gian, loại hình nghệ thuật này cũng cũng có những biến đổi tích cực. Vẫn là không gian sông nước nhưng nó gắn chặt hơn với nhu cầu và thị hiếu của người thưởng thức trong thời kỳ hiện đại bằng hình thức kết hợp với đờn ca tài tử và du lịch trên sông nước.
Trên du thuyền xuôi dòng Cần Thơ, hàng trăm du khách say sưa với bài vọng cổ đặc trưng của người dân Nam bộ… Giữa sông nước mênh mang, một cây guitar phím lõm, hòa cùng tiếng hát chân quê, đã đưa người nghe đến những cung bậc khác nhau của cảm xúc.
Một du khách đến từ TP.HCM tâm sự: "Đến nơi đây, giữa không gian mênh mông sông nước này, nghe đờn ca tài tử, tôi thấy sống dậy cái hồn quê".
Nhiều khách nước ngoài cũng tỏ ra thích thú khi lần đầu đi trên sông nước và được nghe đờn ca tài tử. Một du khách nước ngoài nói: "Ca từ tôi không hiểu lắm, nhưng giai điệu tôi thấy rất hay và rất lạ".
Theo soạn giả Nguyễn Hoài Vân, Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin thành phố Cần Thơ, chính không gian sông nước đã góp phần làm nên nét đặc trưng của nghệ thuật đờn ca tài tử.
"Lời bài hát của đờn ca tài tử mênh mang, du dương, gắn với những con người thương hồ lênh đênh trên sông nước. Chính khí khái và phong cách rộng rãi, thoáng đãng của con người Nam bộ đã làm nên phong cách của đờn ca tài tử. Ca hát giữa không gian sông nước làm gợi lên nét khoáng đạt, cái hồn quê", soạn giả Nguyễn Hoài Vân nói.
Tồn tại gần một trăm năm qua, đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ. Người ta có thể chơi đờn ca tài tử lúc nông nhàn, trước sân nhà, ngoài bờ ruộng, cạnh bờ sông, hay lý tưởng hơn là thả thuyền trên sông. Tất cả các hình thức thể hiện đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống đặc thù của vùng đất Nam bộ.