Năm 2019, Hà Nội đã cùng 66 thành phố khác trên thế giới tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Hà Nội đã chọn lĩnh vực thiết kế khi xây dựng hồ sơ để trình Ủy ban di sản thế giới của UNESCO, với một nền tảng di sản phong phú và sức sáng tạo, từ đội ngũ thiết kế trẻ và đầy năng động.
Sau 4 năm, Hà Nội đã có những bước đi quan trọng ban đầu trong thực hiện sáng kiến cam kết với UNESCO. Hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống đều chuyển động cùng với thiết kế sáng tạo, từ việc tạo hành lang phát triển, xây dựng mạng lưới kết nối đi kèm với cơ chế để có thể khuyến khích đội ngũ nhà thiết kế phát triển.
Trong năm nay, Tuần lễ thiết kế Việt Nam – sự kiện thường niên lớn nhất về lĩnh vực thiết kế - cũng đã được tổ chức. Cùng với việc xây dựng một cộng đồng thiết kế tâm huyết, tài năng, một dấu ấn nổi bật của thiết kế sáng tạo năm 2023 là việc Hà Nội tiếp tục thành công trong xây dựng thương hiệu sự kiện cho lĩnh vực này. Lễ hội Thiết kế sáng tạo được tổ chức thường niên, quy tụ nhiều hoạt động khơi nguồn, dẫn dắt tư duy sáng tạo mới lạ và đầy hấp dẫn.
Từ năm 2021 đến nay, quy mô, chất lượng của lễ hội ngày càng được mở rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với giới sáng tạo của thủ đô và cả nước. Với sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ, cùng với 64 hoạt động văn hóa sáng tạo được tổ chức tại tuyến điểm chính là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm, Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023 có quy mô lớn nhất sau 3 mùa tổ chức.
Thành công của lĩnh vực thiết kế sáng tạo còn thể hiện ở sự lớn mạnh của các không gian sáng tạo. Hà Nội hiện sở hữu số lượng không gian văn hóa sáng tạo lớn. Con số lên tới 124. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi mới đây, thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch phát triển trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP làng nghề gắn với du lịch. Thành phố đặt mục tiêu từ nay tới cuối năm 2024 sẽ công nhận từ 5 – 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố. Kinh phí thực hiện mô hình bằng nguồn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa. Việc này nhắm nâng cao năng lực trong các hoạt động thiết kế sáng tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch. Trung tâm cũng là nơi bảo tồn, khôi phục, phát triển thiết kế sáng tạo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề phục vụ cho du lịch.
Có thể thấy, bằng việc thúc đẩy hoạt động thiết kế sáng tạo, Hà Nội đang dần định vị được bản sắc trong xây dựng thành phố sáng tạo, đó chính là việc đánh thức các tiềm năng di sản văn hóa đã bị lãng quên theo hướng thiết kế, sáng tạo. Đây là kết quả bước đầu của việc Hà Nội ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch thiết thực. Nổi bật nhất là Nghị quyết số 09 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đến là kế hoạch số 102 của UBND thành phố về việc triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025.
Tại Việt Nam, quy mô của ngành thời trang ở mức 68 tỷ USD/ năm, là một mảnh đất hấp dẫn cho các nhà thiết kế, nhà sản xuất. Trong khi đó, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta đạt 2,4 tỷ USD vào năm 2022. Những lĩnh vực này giúp Hà Nội tiếp tục có tiềm năng phát triển lĩnh vực thiết kế, tạo ra sản phẩm độc đáo, giúp thủ đô trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!