ĐD Phan Đăng Di: Một nền điện ảnh muốn tồn tại, Nhà nước không thể đứng ngoài

Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật-Thứ hai, ngày 05/10/2015 06:00 GMT+7

Đạo diễn Phan Đăng Di. (Ảnh: Đẹp Online)

VTV.vn - “Tất cả những nền điện ảnh nếu muốn tồn tại một cách bình thường thì Nhà nước không thể đứng ngoài” – ĐD Phan Đăng Di chia sẻ tại chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật.

Xuất hiện tại chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật số phát sóng mới nhất (3/10) với câu chuyện về các nhà làm phim độc lập, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn và Phan Đăng Di – hai khách mời của chương trình – đã chia sẻ những quan điểm cũng như những câu chuyện từ trải nghiệm của chính mình. Nguyễn Vinh Sơn và Phan Đăng Di là những đạo diễn trong thời gian qua đã tham gia và có những đóng góp lớn trong việc thúc đẩy đội ngũ những người làm phim độc lập ở Việt Nam phát triển vững vàng hơn, gắn kết với nhau hơn và cho ra đời những tác phẩm được thế giới công nhận.

Trước câu hỏi làm thể nào để thúc đẩy những nhà làm phim độc lập sáng tạo tốt hơn, để trở thành một đội ngũ vững mạnh? Và khi những hạt mầm ấy đã nảy rồi thì làm sao để trở thành những trái ngọt? Đạo diễn Phan Đăng Di nói: “Tôi không nghĩ những người làm phim độc lập thì chỉ tập trung vào một dòng phim. Bản thân một người khi bắt đầu sự nghiệp không nên nghĩ chuyện gì là chuyện quan trọng, vấn đề chỉ là họ muốn làm phim mà thôi”.

“Nếu bây giờ các bạn có điều kiện làm bất kỳ điều gì liên quan đến điện ảnh thì cứ cầm một máy quay lên và đi làm cùng với bạn bè, với đồng nghiệp của mình. Cứ làm cái đã và sau quá trình làm sẽ tìm ra con đường của mình”.

Ngay sau câu nói trên, đạo diễn của phim Bi, đừng sợ! đã lấy ví dụ về đạo diễn nổi tiếng Vương Gia Vệ của Hong Kong: “Ông ấy đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc viết kịch bản truyền hình, đi quay ca nhạc và làm tất cả mọi thứ khác”.

“Đến một ngày đẹp trời nào đó, khi có sự vững chắc thì mọi người có thể làm bất kỳ cái gì mình muốn” - Phan Đăng Di kết lại câu trả lời.

“Nhưng tôi nghĩ vẫn cần sự thúc đẩy để tạo ra được một cộng đồng, tạo ra sự hứng khởi, nuôi dưỡng sự hứng khở đó được bền lâu, để ngày nào đó nó không không thui chột đi hay trở thành niềm tiếc nuối” – người dẫn chương trình Mỹ Linh tiếp lời và đặt lại câu hỏi cho đạo diễn Phan Đăng Di.

“Cái đó tôi hoàn toàn công nhận bởi vì chúng ta vẫn phải quay trở câu chuyện tại sao có những nền điện ảnh phát triển được trong bối cảnh hiện nay và có "làn sóng" đi ra bên ngoài thế giới?” – đạo diễn Phan Đăng Di trả lời – “Từ chỗ không được biết đến bây giờ họ đã là nền điện ảnh rất quan trọng cho thế giới hiện đại. Ví dụ rất gần là Đông Nam Á”.

“Mấy năm gần đây điện ảnh Đông Nam Á, như Phillipines và Thái Lan, họ có bước tiến rất rõ ràng. Họ có một làn sóng các nhà làm phim mới. Họ bắt đầu được quan tâm và có tiếng nói rất riêng” – Phan Đăng Di nói tiếp – “Trong tất cả sự đi lên đó và trong tất cả sức mạnh đó, tôi thấy một điều rất rõ ràng là họ có sự đoàn kết trong việc làm cùng nhau. Rõ ràng khi họ cùng trên một con thuyền, họ xác định mục tiêu là họ đang chia sẻ một tình yêu, họ muốn mang hình ảnh của dân tộc họ ra thế giới… thì tự nhiên họ có sức mạnh. Và cái đó rất hay”.

Cũng trong cuộc trò chuyện tại Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng Nhà nước và Chính phủ không thể đứng bên ngoài nếu nền điện ảnh của nước đó muốn tồn tại và phát triển.

“Tất cả những nền điện ảnh, nếu muốn tồn tại một cách bình thường và có những tác phẩm nghệ thuật, thì Nhà nước không thể đứng ngoài được” – đạo diễn của Bi, đừng sợ! bày tỏ quan điểm – “Ngay cả những Chính phủ có nền điện ảnh tư nhân phát triển nhất như châu Âu thì Chính phủ cũng phải lập ra những các quỹ và Chính phủ phải là người giúp cho những người làm phim, đặc biệt là những người làm phim đầu tay. Vì nếu không có cú hích đó thì hầu như những nhà làm phim sẽ không thể có cách nào để bắt đầu sự nghiệp của mình cả”.

Đạo diễn Phan Đăng Di đã kể về cuộc trò chuyện giữa anh với giám đốc của LHP Hong Kong để làm ví dụ cho quan điểm trên của anh: "Tôi có dịp tham gia LHP Hong Kong và ngồi nói chuyện với giám đốc của LHP đó. Tôi có hỏi vì sao Hong Kong có mô hình hay như vậy khi làm LHP? Khán giả trẻ ở đây đến LHP, sẵn sàng trả 70 USD Hong Kong cho một cái vé. Những bạn trẻ này ngồi trao đổi với nghệ sĩ một cách rất hiểu biết. Đó là cái rất thành công trong LHP của họ.

Ông giám đốc của LHP đã trả lời tôi rằng: Nếu đã xác định làm một LHP thì phải quan tâm đến yếu tố nghệ thuật đầu tiên nhưng bản thân chúng tôi không làm được tất cả nếu thiếu sự giúp đỡ của chính quyền. Khởi điểm bao giờ cũng rất khó, có quá nhiều cạnh tranh nhưng khi Chính phủ có sự quan tâm, các nhà làm phim có được một lượng khán giả thông minh. Đồng thời, đây cũng là lực đẩy cho nền điện ảnh và nếu thiếu yếu tố đó thì không cách gì làm được. Chúng tôi có nỗ lực đến đâu cũng không bao giờ làm được.

Nên, nếu muốn làm điều gì đó hoàn toàn là cho điện ảnh, cho nghệ thuật thì làm ơn phải nhớ rằng phải có vai trò của Chính phủ ở trong đó".

Để nghe nhiều hơn những chia sẻ của đạo diễn Phan Đăng Di, bạn hãy xem video dưới đây:

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước