Khi Lưu Trọng Ninh tranh luận với Phan Đăng Di

VTV ONLINE-Thứ năm, ngày 23/01/2014 11:45 GMT+7

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Phan Đăng Di - 2 khách mời của VH, SK&NV số mới nhất. (Ảnh: Đẹp/Thanhnien)

Trong Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật số mới nhất, Lưu Trọng Ninh và Phan Đăng Di - hai vị đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt Nam - đã có những trao đổi khá thú vị và không kém phần thẳng thắn. Hãy nghe họ nói gì!

Trong cuộc trò chuyện tại Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật với chủ đề về điện ảnh, đạo diễn của phim Bi, đừng sợ! – nói về sự phân hóa giữa phim tư nhân và Nhà nước – cho rằng những người làm phim chỉ nên nhìn chung về một hướng khi làm nghề và có chung một nền điện ảnh, theo cách anh gọi, là điện ảnh dân tộc.

“Tôi nghĩ chúng ta không nên nhìn điện ảnh theo hướng tư nhân hay Nhà nước, chỉ nên có một nền điện ảnh dân tộc” – Phan Đăng Di nói với người dẫn chương trình Mỹ Linh – “Nếu trong nền điện ảnh dân tộc mà chúng ta phân chia thì không đúng. Với nền điện ảnh, chúng ta nên đi về một hướng và chúng ta phải làm sao tìm được tất cả những giải pháp cho hướng đi đó”.

Vậy làm thế nào để có được một nền điện ảnh dân tộc?

“Thứ nhất, những bộ phim làm ra thì khán giả trong nước phải thích trước đã và mình phải có một tham vọng lớn là có tiếng nói Việt Nam trên một bình diện lớn hơn. Và tất cả những việc đó muốn làm được thì mình phải quên chuyện tư nhân và Nhà nước đi” - Đạo diễn Phan Đăng Di giải thích.

Tuy nhiên, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, khách mời thứ 2 của Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật, “phản pháo” rằng những điều đạo diễn Phan Đăng Di nói là “lý tưởng” và thực tế rất khác biệt.

“Đấy là lý tưởng nhưng trong cách làm hiện nay nó khó tồn tại. Tôi đã tiếp xúc với nhiều người – đạo diễn, diễn viên, quay phim, những người không có biên chế, không thuộc một hãng được bao cấp của Nhà nước - thì họ thật sự thờ ơ trong tất cả những việc này và con số đó cực đông. Tôi khẳng định là nó chiếm 90% chứ không phải 50/50. Số lượng ít ỏi còn lại ở các hãng thì cũng sắp sửa về hưu rồi”.

Đạo diễn Phan Đăng Di đáp trả rằng sự thờ ơ đó nguyên nhân là do những người làm nghề đã không nhận được sự quan tâm.

“Tôi nghĩ, sở dĩ người ta thờ ơ là bởi vì người ta không được quan tâm, khi người ta không thấy được vị trí của mình trong tất cả những cuộc đó. Nếu người ta thấy sự tham gia của người ta có trong công việc chung thì chắc chắn không ai thờ ơ cả. Nhưng vấn đề là không hiểu tại sao, trong cái cách mình làm, những đối tượng đáng lẽ cần nhận những cái đó họ lại đứng ngoài cuộc. Khi những người đang làm và có khát khao muốn làm lại đứng ngoài cuộc thì rõ ràng là mọi biện pháp, mọi chính sách không thành công”.

Để theo dõi trọn vẹn cuộc trò chuyện giữa đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Phan Đăng Di tại Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật, hãy click vào video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước