Những người thu đổi tiền lẻ vẫn ngang nhiên đổi, người dân vẫn hăm hở rải tiền lẻ từ hậu cung ra đến cổng.
Tiền lẻ: càng nhiều càng may?
Cũng bởi tâm lý vay lộc đầu năm mà đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) được coi là thiên đường của... tiền lẻ. Đường vào, trước cổng, trong khuôn viên đền, cả bãi giữ xe nhan nhản người làm dịch vụ thu đổi tiền lẻ. Những xấp tiền có mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng đến 10.000, 20.000 đồng được xếp ngay ngắn trên mâm.
Những người đổi tiền hoạt động công khai, ồn ào mời chào khách mà không hề thấy bóng dáng của cơ quan quản lý nào. Cứ 100.000 đồng tiền chẵn sẽ đổi được 75.000-80.000 đồng tiền lẻ.
Theo những người này, vì năm nay không in tiền lẻ nên tiền mới cực hiếm. Ai còn giữ được tiền mới tinh có thể đổi với tỉ lệ 100.000 đồng tiền chẵn lấy 50.000 đồng tiền lẻ mới.
“Thôi, chen không nổi thì đành ra ngoài bỏ tiền vào hòm công đức vậy” - một người đàn ông mặt đẫm mồ hôi cho biết khi vừa thoát ra khỏi biển người.
Cửa hậu cung đền Bà Chúa Kho luôn bị dòng người vây kín khấn vái. Sau khi khấn xong, một vài tờ tiền lẻ được nhét qua song cửa rơi xuống sàn nhà. Người sau nối tiếp người trước, chỉ trong thoáng chốc sàn nhà của hậu cung bị những tờ tiền mệnh giá nhỏ phủ trắng.
Thậm chí ở góc nhà tiền lẻ đã vun lên thành từng đống nhỏ. Những người đứng xa thì tìm cách ném, miễn là tiền lọt qua cánh cửa hẹp như một kiểu lấy may ở nơi linh thiêng nhất của đền.
Không chỉ ở hậu cung, khắp các ban thờ đặt trong đền Bà Chúa Kho đều ngập trong tiền lẻ dù lực lượng thủ nhang của đền được bố trí khá đông đảo.
Theo quan sát, hầu hết du khách sau khi khấn vái đều cố để lên ban thờ vài tờ tiền để cầu may. Tuy đã có khay để tiền giọt dầu nhưng nhiều người vẫn cố len lên tận bàn thờ đặt tiền như thể tiền đặt càng gần thần linh thì mình càng may mắn.
Những du khách không muốn đặt tiền lẻ cũng khó lòng thoát khỏi những người khấn hộ trong đền. Ngay lập tức, du khách sẽ được “tư vấn” đặt lễ bao nhiêu tiền để xin “lộc rơi lộc vãi” của thánh. Sau khi đặt tiền lẻ lên khay để tiền thì du khách sẽ bị những người khấn hộ xin thêm một chút tiền trả cho công việc của mình.
Lực lượng khấn hộ ở đền Bà Chúa Kho ngày càng đông. Tiếng khấn của khách, cả tiếng cãi nhau, tiếng nhắc nhở, tiếng khấn hộ hợp lại thành một khung cảnh huyên náo.
Tấp nập hoạt động đổi tiền
Tiền lẻ không chỉ có mặt ở đền, chùa, miếu, phủ mà nhiều năm nay còn lan đến cả những nơi vốn được coi là trung tâm của sự học - Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những dãy hàng rào sắt dường như đã ngăn được cảnh tiền lẻ phủ lên rùa đá đội bia tiến sĩ, thì tiền lẻ lại lan đến các gian điện thờ vị tổ của đạo Nho - Khổng Tử.
Không ít bố mẹ dắt con đến bàn thờ khấn vái, sau đó dúi một nắm tiền lẻ vào tay con rồi chỉ dẫn đặt lên bàn thờ. Người lớn, trẻ em tay ai cũng lăm lăm tiền lẻ, cứ đi qua chỗ nào có tượng thờ là cố nhét tiền.
Nhà hậu đường thờ thầy giáo Chu Văn An cũng không thoát khỏi nạn tiền lẻ. Những tờ tiền 500 đồng, 1.000 hay 5.000 đồng với đủ loại mới cũ được đặt lộn xộn trên bàn thờ, dưới bát hương, nhét vào giữa các khe hở của đĩa quả. Khay để tiền giọt dầu, hòm công đức trước bàn thờ mặc nhiên bị bỏ qua. Thậm chí hồ Văn cũng bị nhiều người ném tiền xuống.
Ở đền Sái (Hà Nội), hoạt động thu đổi tiền lẻ cũng diễn ra tấp nập. Tại chùa Hương, một lực lượng tăng ni, phật tử luôn phải túc trực để thu dọn tiền lẻ. Theo ông Trương Minh Tiến (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội), không chỉ ở đền Sái mà nhiều điểm di tích trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tồn tại hiện tượng đổi tiền lẻ, ném tiền lên bàn thờ thay vì bỏ vào hòm công đức.
“Thành phố và sở đã có văn bản chỉ đạo không cho dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động trong di tích và khu lễ hội, tuy nhiên muốn xử phạt phải có hướng dẫn. Việc đổi tiền hay du khách rải tiền không phải chuyện mới nhưng chưa bao giờ có quy định cụ thể. Riêng việc đổi tiền lẻ, nếu ngành ngân hàng không vào cuộc thực hiện mà để ngành văn hóa với địa phương tự làm thì rất khó có thể giải quyết được” - ông Tiến nói.