Cứ vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch hay đầu xuân năm mới, hàng triệu phật tử Việt Nam lại đi chùa lễ Phật. Đây là hoạt động văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Việt, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần của người Việt, thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Ngày nay, do nhiều tác động của đời sống vật chất, cộng thêm tâm lý đám đông mà ở đâu đó, vẫn còn có những lệch lạc, dẫn đến hành động chưa đúng, thậm chí là sai lệch, gây ra những biến tướng trong các hoạt động văn hóa tâm linh. Việc hiểu đúng ý nghĩa của đi lễ chùa sẽ giúp mỗi người tránh lãng phí tiền của, thời gian và không có những hành động đi ngược lại giáo lý tốt đẹp của nhà Phật.
"Vai trò của các tôn giáo trong rèn luyện ý thức nhân quả là luôn luôn cảnh báo chúng ta rằng bất kỳ tác động nào của chúng ta, từ lời nói, suy nghĩ đến việc làm đều phải tính đến hậu quả có thể gây ra. Ai cũng phải chịu trách nhiệm về hậu quả đó bằng những cách khác nhau. Đó chính là giá trị tích cực, còn việc lợi dụng điều đó để trục lợi là gieo nhân ác, sẽ gặp quả báo", GS.TS Phạm Hồng Tung – Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ ngàn đời nay, đạo Phật ăn sâu, bén rễ vào đời sống tinh thần của dân tộc là bởi giáo lý của nhà Phật thấm nhuần tính nhân bản, chỉ con người nhìn thẳng vào thực tại. Trong giáo lý ấy, Đức Phật dạy về tứ trọng ân mà con người phải báo đáp, đó là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn quốc gia xã hội và ơn tam bảo. Đây là những nền tảng đạo lý và đạo đức căn bản của con người. Trong dân gian cũng có câu: Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Như vậy, hướng về đạo Phật thì mỗi người cần làm trọn nghĩa vụ căn bản, lễ Phật từ tâm thì trong tâm luôn có Phật.
Đến chùa không thể xin được sự bình an, hạnh phúc bởi muốn bình an thì chúng ta phải biết rõ giá trị cuộc sống, để sống và làm việc theo đúng Hiến pháp, phát luật, đúng đạo lý. Còn muốn ấm no, hạnh phúc thì không có cách nào khác là làm việc và lao động chân chính. Mọi tư tưởng sống gấp, lười lao động, thiếu tu dưỡng đạo đức đều dẫn đến bất hạnh, không cần phải do thần linh hay số phận an bài.
"Nhiều người nghĩ rằng tốt lễ dễ kêu, sắm thật nhiều lễ nghi thì Phật thánh mới chứng giám, mới phù hộ. Cái đó không phải, sự thành tâm thì chư Phật, chư thánh đã chứng giám rồi thế nên khi thực hành nghi lễ ở nhà, ở chùa, nơi tâm linh đình, đền, miếu, phủ… thì cái quan trọng nhất là sự thành kính", Thượng tọa Thích Minh Quang – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình cho biết.
Tự do tín ngưỡng là quyền của công dân, được Nhà nước bảo vệ. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình kiến thức về tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt khi đi lễ, hành lễ. Có như vậy, người dân mới không rơi vào mê tín dị đoan, hoặc có hành vi phản cảm, lệch lạc ở nơi thờ tự, chốn linh thiêng. Hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp của đi lễ Phật góp phần nâng tầm văn hóa và giá trị của lễ hội gắn với chùa. Đó cũng là cách người Việt giữ gìn và phát huy nền văn hóa đặc sắc, đa dạng trong xu thế hội nhập hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!