Điện ảnh Việt: Bao giờ cho đến ngày xưa…

Kiều Trinh-Việt Cường -Thứ ba, ngày 13/09/2011 21:58 GMT+7

Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ ở 2 hai hãng phim lớn là Hãng phim Truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng đã cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh nghệ thuật có giá trị lớn, làm nên thương hiệu của nền điện ảnh Việt Nam.

Một cảnh trong phim “Cánh đồng hoang”.

Thế nhưng, nhiều năm nay, cả 2 hãng phim quốc gia lớn này gặp rất nhiều khó khăn do chuyển đổi mô hình hoạt động và thiếu sự quan tâm đúng mức của ngành điện ảnh.
Với phần lớn người dân Hà Nội, địa chỉ số 4 Thụy Khuê quen thuộc bởi từ lâu ở đây nổi tiếng có quán phở ngon. Nếu không có tấm biển thì ít ai nghĩ rằng, đây chính là trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam - niềm tự hào của Điện ảnh Việt Nam với những tác phẩm kinh điển như: Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu hay Em bé Hà Nội.
Dù đã đóng đô hơn nửa thế kỷ, là nơi tìm kiếm, phát hiện ra nhiều nghệ sĩ tài năng, thế nhưng đến thời điểm này thì trụ sở số 4 Thụy Khuê vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Cũng vì thế mà bao năm nay, trụ sở này không được nâng cấp, sửa sang, khiến nó ngày càng trở nên tiêu điều, xập xệ dù mang một cái tên mới: Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên.
NSƯT- Họa sĩ Vũ Huy, Công ty THHH Một Thành viên Phim Truyện VN cho biết: “Tôi làm ở xưởng thiết kế mỹ thuật. Lúc tôi làm có trên 150 người, từ đạo cụ phục trang, hóa trang… thì nay còn có 8 người. Có thể nói rằng, hiện nay điện ảnh đang phát triển rất hỗn loạn. Và hậu quả đầu tiên là điện ảnh bị lẫn lộn, gần như không mang tính nghệ thuật, chuyên nghiệp”.
Nhà biên kịch Thiên Phúc, Công ty THHH Một Thành viên Phim Truyện VN: “Có thể nói một cách mạnh dạn rằng, nếu tình trạng xập xệ này không được chấn hưng một cách kịp thời, không được cấp cứu một cách kịp thời, thì 5 năm nữa, điện ảnh Việt Nam hoặc có thể nói nôm na là điện ảnh Nhà nước sẽ chết và chỉ còn dòng phim giải trí. Lui về đằng trước thì có thể thấy điện ảnh được chăm chút rất tử tế. Tôi nhớ ngày xưa trong sổ gạo của tôi, được 18,5kg (nghĩa là lao động của biên kịch được xếp ngang lao động nặng), và cứ dần dần nó bị quên đi. Việc này theo tôi là lỗi của những người làm điện ảnh và cơ chế của chúng ta chưa hợp lý”.
Nếu như trước đây, từ chỗ sản xuất 15-16 phim một năm, giờ Hãng chỉ được giao 1 đến 2 phim truyện nhựa. Vừa qua, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi làm việc với cán bộ, nhân viên của Hãng để lắng nghe và tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng: “Số có trình độ, một số ít còn lại ở đây, một số ít đã chạy qua Hãng khác. Trong khi đó, thế hệ trẻ lại không muốn vào đây, lương quá thấp. Lương tối thiểu 650 ngàn đồng/tháng thì cũng hiếm gặp trong một đơn vị của Bộ. Đúng là để xử lý vấn đề này, cần có 4 yếu tố: Con người, công nghệ, vốn và cơ chế”.
Nhiều nghệ sĩ ngoài Bắc vẫn luôn mơ ước điều kiện làm việc ở phương Nam. Ấy thế nhưng, trụ sở của hãng phim Giải Phóng, nòng cốt của Điện ảnh Việt Nam ở phía Nam từ 7 năm nay ở số 212 Lý Chính thắng, Quận 3, TP.HCM luôn là 1 công trường ngổn ngang, dang dở, kể cả Trường quay. Tòa nhà mới 11 tầng vẫn chưa hoàn thiện vì thiếu vốn. Từ 2010, Hãng chuyển thành Công ty THHH 1 thành viên phim Giải Phóng và gặp rất nhiều khó khăn với vòng quay của thị trường.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Công ty THHH 1 thành viên phim Giải Phóng: "Chúng tôi chấp nhận cơ chế thị trường, nhưng thị trường điện ảnh thì khác. Công ty trách nhiệm hữu hạn nhưng không có vốn, vì 100% vốn Nhà nước nên chúng tôi đi ra vay tiền ngân hàng để làm phim hoặc kinh doanh cũng không được vay".
Năm ngoái, Hãng làm tới 150 tập phim cho các Đài truyền hình, nhưng chỉ có cơ hội sản xuất 1 phim truyện nhựa là Long Thành Cầm Giả Ca nhờ có kinh phí của 1000 năm Thăng Long. Năm nay, họ trúng thầu 240 tập phim cho HTV, dự án giúp cải thiện đời sống cho văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, phim truyền hình vẫn chỉ là nghề tay trái. Cái nghiệp cả đời mà họ đau đáu vẫn là những bộ phim nghệ thuật trên màn ảnh rộng. Các nhà điện ảnh lo ngại, cứ cái đà này, không khí làm phim nghệ thuật đang dần "chết yểu".
NSND Thế Anh: "Tại sao nền điện ảnh Việt Nam đi xuống đến vậy? Các bạn cứ nhìn vào phim Việt Nam hiện nay không chất lượng. Tôi là người gốc Hà Nội, tôi buồn quá. Ngoài Bắc, số 4 Thụy Khuê thì như 1 cửa hàng tạp hóa, không có nghệ thuật gì. Còn ở đây: Hãng phim Giải Phóng thì từ lâu không có không khí làm phim. Nền điện ảnh đang xuống dốc một cách thảm hại".
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh VN: "Nước mình có 2 thương hiệu lớn của điện ảnh, làm được bao bộ phim để đời mà bây giờ buông xuôi, bỏ lửng, đánh đồng... Phải chăm chút đến nó, đồng thời vẫn cho mở hãng tư nhân, xã hội hóa".
Hơn 70 tuổi, NSND Lương Đức, đạo diễn kỳ cựu của Hãng phim Tài liệu Khoa học TƯ, chủ nhân của nhiều giải Bông Sen Vàng, vẫn lầm lũi đạp xe để làm phim truyền thống cho các ngành. Ông thực sự đau xót trước đời sống và không khí điện ảnh hôm nay. Ông nói: Các nghệ sĩ điện ảnh lương chỉ bằng 30% người bán nước trà, bơm xe...
Nhiều năm nay, những hãng phim lớn chỉ sản xuất 1-2 bộ phim truyện nhựa 1 năm, bằng 1/10 thời kỳ trước. Như vậy, mỗi năm cả nước chỉ có chưa đầy 10 phim truyện nhựa, 1 con số quá ít ỏi với thị trường hơn 80 triệu dân, chưa kể phim giải trí câu khách đang có xu hướng lấn lướt tại các rạp chiếu nhờ công nghệ PR của các hãng tư nhân.
Các nghệ sĩ điện ảnh trong Nam và ngoài Bắc khao khát có một không khí sáng tác như thời “Huy hoàng của điện ảnh Việt Nam - thời của những Cánh đồng hoang, Con Chim vành khuyên, hay Em bé Hà Nội. Nhưng có lẽ, đó chỉ còn là "Thời xa vắng”…

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước