Trước thềm lễ trao giải Cánh diều 2016, sáng nay (9/4), buổi tọa đàm Những vấn đề của sáng tác điện ảnh và phim truyền hình hiện nay đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và giới truyền thông. Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm đưa ra và cùng thảo luận về những vấn đề tồn tại trên màn ảnh nhỏ cũng như màn ảnh rộng của Việt Nam.
Trong số khoảng 20 tác phẩm truyền hình tham dự giải, BTC Cánh diều đánh giá cao sự phong phú về chất lượng, tuy nhiên dễ dàng nhận thấy, các phim năm nay có sự chênh lệch về đề tài khá lớn.
GS. TS Trần Luân Kim – Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam - chia sẻ ông vừa phấn khởi, vừa thấy không phấn khởi sau quá trình chấm thi năm nay. Ông đánh giá phần lớn tác phẩm đều tập trung vào dòng tâm lý – xã hội, phản ánh được nhiều vấn đề tiêu cực của cuộc sống mà chủ yếu là ở thành phố hoặc nói về tình yêu trong xã hội đương đại, có tình yêu trong sáng, thuần khiết, có tình yêu mưu mô, vật chất và hận thù…
Xu hướng của các bộ phim truyền hình hiện nay là đề cập tới những vấn đề hiện tại, thiếu vắng những câu chuyện về quá khứ, lịch sử. Lý do được GS. TS Trần Luân Kim đưa ra, đó là các nhà làm phim đều muốn thu hồi vốn, bởi vậy, họ lựa chọn những đề tài dễ hút khách.
Zippo, Mù tạt và Em gây tiếng vang trên màn ảnh nhỏ trong năm 2016
Về mặt bằng chung, các tác phẩm truyền hình trong thời gian vừa qua đã được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn về phần hình ảnh, âm thanh, xử lý chi tiết, nhịp điệu tốt, tạo ra được những phong cách riêng và thu hút khán giả. Bên cạnh sự nâng cao về chất lượng, các nhà phê bình cho rằng các bộ phim truyền hình Việt hiện nay vẫn còn một số thiếu sót cần cải thiện.
Đạo diễn, NSND Trần Hữu Phần nhận xét rất nhiều tác phẩm dự giải đã chạy theo thị hiếu khán giả, lồng ghép những yếu tố hành động, hài hước và tình cảm. Tuy nhiên, vì chỉ chăm chăm hướng đến rating và quảng cáo nên nhiều nhà sản xuất đã hơi lơ là phần chất lượng.
"Có một thực tế là những năm gần đây, phim truyền hình buộc phải đạt chỉ tiêu về quảng cáo. Chính vì vậy, những nhà làm phim cũng chạy theo xu hướng câu khách, làm nhiều phim về đề tài thanh thiếu nhiên thật vui tươi hoặc làm về đề tài hành động, điều tra vụ án. Việc khai thác quá sâu vào tội ác, những cảnh hành động đẫm máu hoặc các cảnh nóng trong phim truyền hình nếu không được kiểm duyệt nghiêm ngặt sẽ gây ra sự phản cảm, khó xử đối với những gia đình có trẻ con xem phim cùng người lớn", ông nhận định.
Ngoài ra, đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần cũng lưu ý các nhà làm phim không nên quá lạm dụng việc hồi tưởng hoặc bôi dài thời lượng phim nhằm mục đích quảng cáo. Nếu những chi tiết nhỏ này được chú trọng, ông tin rằng chất lượng phim truyền hình Việt sẽ được cải thiện.
Tấm Cám: Chuyện chưa kể là một trong những "bom tấn" điện ảnh Việt đáng chú ý nhất trong năm 2016
Trong khi đó, mảng điện ảnh cũng chứng kiến những bước khởi sắc của phim Việt khi nhiều tác phẩm ra rạp trong năm qua được khán giả đón nhận. GS. TS Trần Luân Kim thể hiện sự vui mừng khi nhiều bộ phim Việt đã được đầu tư một cách bài bản và tạo ra những hiệu ứng tốt, không thua kém các "bom tấn" trong khu vực. Ông lấy ví dụ điển hình là Tấm Cám: Chuyện chưa kể - một trong những tác phẩm điện ảnh Việt gây chú ý nhất trong năm qua. GS. TS Trần Luân Kim đánh giá cao nội dung, phần thể hiện hình ảnh và đặc biệt là kỹ xảo đẹp mắt trong phim. "Nếu ra mắt cách đây 15 năm trước, phim có thể sánh ngang với nhiều bom tấn nước ngoài", ông nói.
Dù vậy, một điểm trừ mà Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng như các bộ phim võ thuật đang mắc phải, đó là thiếu võ dân tộc. "Phim điện ảnh hiện nay xử lý các pha hành động võ thuật vô cùng đẹp mắt. Tuy nhiên, những pha võ này đều mang phong cách phim cổ trang Kim Dung chứ không hề thấy bóng dáng võ Việt. Đây là một điều đáng tiếc", ông chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, một tín hiệu đáng mừng khi chấm các tác phẩm dự giải Cánh diều năm nay là số lượng phim hài nhảm giảm rõ rệt song vẫn không thiếu những pha hài đặt không đúng chỗ, gây cảm giác khó chịu cho người xem. Ngoài ra, ông cũng cho rằng nhiều nhà làm phim đã lạm dụng yếu tố đồng tính trong các tác phẩm nhằm mục đích câu khách.
Hotboy nổi loạn 2 mạnh dạn đề cập đến chủ đề đồng tính nhưng lại được nhiều người nhận xét là chưa đủ tinh tế
"Trong các bộ phim hiện nay xuất hiện quá nhiều nhân vật đồng tính hoặc khai thác đề tài về đồng tính. Tôi không hiểu đồng tính hấp dẫn gì mà cứ đưa vào phim. Điều này không những gây nhàm chán mà còn tạo ra sự phản cảm",GS. TS Trần Luân Kim nói.
Sau khi đưa ra những lời góp ý thẳng thắn, GS.TS Trần Luân Kim nhận định khâu yếu nhất trong các bộ phim hiện nay vẫn là kịch bản. Việc nhiều bộ phim mới đi theo lối mòn và việc ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim mua kịch bản nước ngoài để "xào nấu" lại là minh chứng rõ ràng cho việc nhiều nhà làm phim đang cảm thấy lúng túng ở khâu kịch bản.
Dù còn nhiều điểm hạn chế nhưng không thể phủ nhận, điện ảnh và truyền hình Việt Nam đã có những bước phát triển đáng mừng. Trong thời gian qua, rất nhiều bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung cũng như phương thức sản xuất, tạo được hiệu ứng dư luận tốt và có thể sánh ngang với nhiều nền điện ảnh trong khu vực. Để ngành công nghiệp làm phim trong nước có thể phát triển hơn nữa, ngoài việc các nhà sản xuất cần tăng cường học hỏi, trau dồi và sáng tạo, còn rất cần sự ủng hộ của khán giả đối với phim Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!