Nhiều bạn trẻ cho rằng đọc văn Tô Hoài là một cách để hiểu về lịch sử (Ảnh: Phương Thúy)
Đây là dịp độc giả và các nhà nghiên cứu cùng tri ân và nhận diện những sáng tác trong hơn 70 năm cầm bút của nhà văn.
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định: Cho đến nay, Tô Hoài được nhắc đến không chỉ là cha đẻ của Dế mèn phiêu lưu ký và cô Mị trong Vợ chồng A Phủ. Tên tuổi ông gắn liền với nền văn học hiện đại Việt Nam với đủ các thể loại, trải nhiều đề tài. Ông viết đều đặn, bền bỉ như một lẽ sống và để đời nhiều tác phẩm viết về những cảnh đời lam lũ, nhất là những người dân ven đô, nơi ông sinh ra và lớn lên. Tiêu biểu như: Quê nhà, Quê người, Cát bụi chân ai, Chiều chiều...
Các nhà nghiên cứu khẳng định, ở một góc độ khác, qua những tiểu thuyết lịch sử như Nhà Chử, Chuyện nỏ thần, Ba người khác, Mười năm..., nhà văn Tô Hoài đưa ra góc nhìn về quá khứ, cho thấy lịch sử trọn vẹn, phong phú nhưng gần gũi. Bạn Đặng Thị Thanh Hà, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những người trẻ ngày nay đọc văn Tô Hoài như một cách tìm hiểu lịch sử và lý giải những sự kiện đã qua.
Bạn Thanh Hà cho biết: “Rất nên giới thiệu tác phẩm của Tô Hoài viết về những giai đoạn trong lịch sử. Giống như sự kiện cải cách ruộng đất em học lớp 12, thông tin từ một đoạn văn ngắn sẽ trôi qua lúc nào không biết. Nhưng khi đọc tác phẩm Ba người khác thì em nghĩ khoảng 10 năm sau mình cũng không thể nào quên được. Ông đã để lại cho thế hệ sau một tài sản vô cùng quý giá, là một kí ức trọn vẹn về thời trước”.
Nhân dịp giỗ đầu nhà văn Tô Hoài, công ty sách Phương Nam đã tái bản 18 tác phẩm của ông. Hội Nhà văn Hà Nội cũng cho biết sẽ thành lập giải thưởng "Tô Hoài - Hà Nội của tôi", 2 năm một lần, trao cho những cây bút viết về Hà Nội, vào đúng ngày sinh nhà văn 27/9.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!