Mới đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra quan điểm những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên…) nếu vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm xuất hiện trên mạng xã hội. Cụ thể, Bộ này đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật.
Có lẽ chưa khi nào, vấn đề đạo đức, lối sống của nghệ sĩ lại nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý từ dư luận đến như vậy. Thậm chí, nó còn trở thành vấn đề gây tranh cãi và nhức nhối. Đáng nói hơn, ở một vài trường hợp, dù công chúng có phẫn nộ đề nghị tẩy chay trên nhiều phương tiện truyền thông, thế nhưng, không ít nghệ sĩ vẫn dùng đủ mọi cách thức để quay trở lại hoạt động sau quãng thời gian "ở ẩn" lấy lệ.
Cuối năm 2022, một nữ ca sĩ đã bị hủy show diễn trong ngày hội của trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Theo báo Thanh niên, phần lớn sinh viên trường tỏ thái độ bất mãn, có bạn chia sẻ "không thể chấp nhận việc trường mời một ca sĩ dính thị phi quá nhiều, mà nhất là lùm xùm liên quan đến người đàn ông đã có gia đình". Khóa Facebook, gửi tâm thư xin lỗi tới cộng đồng fan rồi quay trở lại sân khấu sau thời gian ngắn, thậm chí một nam ca sĩ còn cho ra mắt MV mới sau thời điểm xảy ra ồn ào về việc có con với bạn gái cũ và kết quả là số lượt view thấp hơn nhièu so với những sản phẩm trước đó. Chưa kể nhiều nghệ sĩ sử dụng trang cá nhân có tích xanh để quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, lùa gà mua tiền điện tử, xem bói tử vi,... bất chấp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn chấn chỉnh nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Không ít trường hợp đã bị xử phạt, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ sức nặng.
Nghệ sĩ luôn là tâm điểm của công chúng, là thần tượng của không ít người hâm mộ, nhất là giới trẻ. Một lời kêu gọi cho một phong trào thiện nguyện hay lối sống xanh của người nổi tiếng có thể tạo sự hưởng ứng lớn của cộng đồng mạng, thay đổi nhận thức hành vi. Nhưng trái lại, nếu nghệ sĩ ứng xử thiếu văn hóa, phát ngôn lệch chuẩn thì hệ lụy là khôn lường. Sự lệch chuẩn của một người bình thường có thể chỉ gây tác hại với một nhóm nhỏ trong xã hội thì phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn, thiếu văn hóa, hay hành vi vi phạm pháp luật của nghệ sĩ, người của công chúng sẽ gây tác hại lớn, đặc biệt là với lứa tuổi thanh thiếu niên.
''Người hâm mộ Việt Nam rất dễ quên, hoặc họ dùng công cụ truyền thông để tẩy trắng thì sau đó nhãn hàng lại đặt hàng lại. Và họ sẽ gây ảnh hưởng đến cả một thế hệ trẻ. Đầu tiên là người xem, họ sẽ thấy là mình hoàn toàn có thể nổi tiếng như thế. Mình có thể nổi lên nhờ drama, và sau đó tẩy trắng rất dễ. Thứ hai là trong chính các bạn nghệ sĩ, các bạn sẽ không có ý thức về đạo đức nghề nghiệp. Tôi có 3 em bé, và tôi sợ nhất là sau này các em ấy lớn lên, sẽ xem những nội độc hại và sẽ thần tượng những người không đáng thần tượng'', ông Nguyễn Đăng Quỳnh - Giám đốc công ty truyền thông Vitamin chia sẻ
Cấm sóng - hay còn gọi là phong sát - là biện pháp được thực hiện ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Từ đầu năm 2021, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã bắt đầu công cuộc thanh lọc những biểu hiện xấu, độc trong giới giải trí. Nhiều người nổi tiếng dính tới các cáo buộc về đạo đức, pháp luật đã bị cấm quay trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) đã đưa ra nhiều quy định quản lý chặt chẽ những ngôi sao từng phạm pháp cũng như chấn chỉnh hình tượng nghệ sĩ tại quốc gia này.
Từ nhiều năm nay, các nhà quản lý văn hóa và chuyên gia đặt vấn đề cần sớm xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, từ đó xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành với các quy định xử phạt, hoặc cấm nghệ sĩ vi phạm đạo đức biểu diễn, xuất hiện trên truyền hình hay trên mạng xã hội. Tuy nhiên làm thế nào để xây dựng một khuôn khổ pháp luật vừa có tính răn đe, vừa có tính nhân văn trong hoạt động quản lý biểu diễn nghệ thuật vẫn là câu hỏi lớn. Xử phạt và xử lý kỷ luật là cần thiết. Nhưng theo nhiều người, với cộng đồng sáng tạo, kỷ luật nào cũng cần có thời hạn, theo phương châm, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tạo cơ hội cho những tài năng có thể trở lại phục vụ công chúng.
"Tôi nghĩ đến lúc chúng ta phải làm thật mạnh, thật nghiêm, thậm chí phong sát một vài năm. Tuy nhiên, việc xử lý cũng phải có thời hạn nhất định để các bạn có cơ hội quay trở lại hoạt động nghệ thuật. Các khán giả cũng phải tỉnh táo, công bằng, ủng hộ thần tượng nhưng phải nhận biết điều đúng hay không đúng để có phản ứng với chính thần tượng. Có thể không dữ dội nhưng cũng đủ để thần tượng hiểu ra có điều không đúng", nhà báo Ngô Bá Lục cho biết.
NSND Trần Ngọc Giàu cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này: "Với công chúng, các bạn không chỉ có trách nhiệm của một người nghệ sĩ mà còn có trách nhiệm của một công dân, biết cân nhắc như thế nào để sống và làm việc theo pháp luật".
Nhiều câu chuyện cho thấy xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn là rất cần thiết, nhất là trong một nhà nước pháp quyền. Tùy mức độ vi phạm mà có thể xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể áp dụng cấm sóng hay cấm các hoạt động nghệ thuật trong một khoảng thời gian. Tất nhiên, việc cấm sóng hay tạo điều kiện cho nghệ sĩ vi phạm có cơ hội quay trở lại cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vừa đủ sức răn đe nhưng vẫn đảm bảo yếu tố nhân văn. Bài học nào cũng có giá của nó. Với nghệ sĩ, một khi đã đánh mất đi công chúng của mình, đó chính là đòn trừng phạt lớn nhất. Sự tiến bộ trong nhận thức của khán giả là tiền đề để xây dựng môi trường văn hóa - giải trí lành mạnh, văn minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!