Năm nay, Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 sẽ diễn ra từ ngày 2/2 đến 15/2 tại Hồ Văn, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.
Hội chữ Xuân Bính Thân sẽ có hai hoạt động chính là Triển lãm thư pháp và Viết chữ thư pháp. Trong đó, triển lãm thư pháp mang chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” sẽ giới thiệu 100 bức thư pháp chữ Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ có nội dung hướng theo tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Theo đại diện BTC thì lấy chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” cho cuộc triển lãm lần này là nhằm hướng tới đạo lý tri ân, giáo dục thế hệ trẻ nhớ đến công lao của ông bà cha mẹ, học trò nhớ đến ơn dạy dỗ của thầy, dân thường với các anh hùng liệt sỹ. Và mỗi năm, cuộc triển lãm lại gắn với một chủ đề mang giá trị cốt lõi.
Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm đều phải được Ban tuyển chọn thẩm định về hình thức và chất lượng. Trong đó yêu cầu các tác phẩm phải viết đúng chữ, viết đẹp, đúng quy cách thư pháp, bố cục hài hoà, nội dung phải toát lên được chủ đề của triển lãm. Ngoài ra, tác phẩm phải được trình bày trên chất liệu quy định và theo đúng quy cách kích cỡ.
Viết chữ thư pháp sẽ có khoảng 130 ông đồ tham gia. Đây là những người có khả năng viết thư pháp chữ Hán – Nôm và Quốc ngữ thuộc CLB Thư pháp tại Hà Nội và các tỉnh thành. Để phục vụ cho hoạt động này, BTC sẽ cho dựng khoảng 100 lều bạt dựng tạm tại khu vực xung quanh giáp tường bao Hồ Văn. BTC cũng sẽ tổ chức bốc thăm phân vị trí ngồi viết chữ cho CLB và người viết tự do. Trong đó, có một số vị trí sẽ dành riêng cho các Đạo lão Thư pháp gia (trên 70 tuổi, đã tham gia giảng dạy, triển lãm thư pháp và có nhiều đóng góp cho hoạt động thư pháp Hà Nội) như: cụ Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu...
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết, để tránh tình trạng như năm ngoái, năm nay BTC tiến hành khảo tuyển 44 người và chọn ra được 15 người đỗ. Trong 15 ông đồ này, có 9 người được cho chữ ba năm liên tiếp ở Hồ Văn và số còn lại chỉ có thời hạn một năm.
Ông Trương Quốc Chí, Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO khẳng định, các thành viên trong ban khảo tuyển là những người có trình độ chuyên môn, học vấn tốt và được giới thư pháp Hà Nội vinh danh, lựa chọn công tâm.
“Năm ngoái trượt nhiều hơn năm nay. Những người năm ngoái đỗ năm nay không phải thi. Chúng tôi mong muốn trả lại giá trị đích thực, để người dân không phải treo chữ sai trong nhà”, ông Chí nói. Ông Chí kể thêm, nhiều người trượt kỳ thi năm trước quyết phục thù, hỏi xin địa chỉ học. Sau một năm dùi mài có nhiều người vượt qua kỳ khảo hạch, người không học vẫn dậm chân tại chỗ. Và dù đề thi được in ra giấy, các ông đồ chỉ cần nhìn vào viết theo vậy mà vẫn có trường hợp vừa phát đề xong đã có người xin bỏ thi.
Ông Lê Xuân Kiêu hứa sắp xếp hợp lý hơn, dù gì cũng phải hướng tới văn hóa khi xin chữ, tránh chen lấn xô đẩy. Quanh chuyện không khôi phục phố ông đồ, ông Kiêu nói ký ức bấy lâu trong tâm trí người dân cũng cần thời gian thay đổi. “Trong điều kiện xã hội hiện đại, việc xác lập sản phẩm văn hóa cũng cần thời gian. Chúng tôi cố gắng xây dựng sản phẩm văn hóa hấp dẫn hơn”, ông Kiêu nói.
Hỏi có giá sàn không, đại diện BTC đáp ngay có niêm yết giá theo mức độ các loại giấy. Thấp nhất là 50 nghìn đồng cho giấy bồi loại nhỏ dành để cho chữ các em thiếu nhi, loại giấy xuyến chỉ là 100-120 nghìn đồng, cao nhất là 200 nghìn đồng. Tùy nhu cầu khách dùng biểu lớn hơn, giá có thể lên đến 300-400 nghìn đồng theo kiểu thuận mua vừa bán.