Có cho mình một thần tượng để có động lực phấn đấu, hay đơn giản là cảm thấy yêu đời, vui vẻ hơn là nhu cầu chính đáng của mọi người. Nhưng hâm mộ thần tượng một cách quá khích, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình, thậm chí dẫn đến hành vi phản cảm là điều đáng bàn. Đó cũng là chủ đề được thảo luận trong Góc nhìn văn hóa lên sóng vào ngày 21/5.
Nếu trước đây ở Việt Nam, các bạn trẻ hâm mộ một thần tượng nào đó theo sở thích cá nhân, đơn lẻ thì nay việc theo đuổi các ngôi sao có tổ chức chuyên nghiệp hóa hơn với sự hậu thuẫn của mạng xã hội. Nhiều câu lạc bộ, hội nhóm hay còn gọi là fanclub đã hình thành. Nhiều người tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc để theo đuổi thần tượng của mình.
Tình yêu với thần tượng đôi khi bị tuyệt đối hóa đến cực đoan. Một trong những cách thể hiện sự trung thành là quay lưng lại với những đối thủ của thần tượng. Đây cũng là lý do xảy ra những cuộc khẩu chiến, cãi vã giữa các nhóm hâm mộ trên mạng xã hội. Để bảo vệ thần tượng, các câu lạc bộ fan sẵn sàng nói xấu, lập diễn đàn chửi bới ca sĩ khác và người hâm mộ họ. Những nhóm anti-fan (người chống đối) xuất hiện ngày càng nhiều và có nhiều chiêu trò nhằm hạ bệ ca sĩ mà họ không ưa, thậm chí nhiều người còn tràn ra các trang mạng quốc tế để tranh cãi, gây ra những hình ảnh xấu về cộng đồng người hâm mộ Việt Nam.
Cuồng thần tượng mang đến nỗi lo sợ bởi hiệu ứng cánh bướm. Nếu những hành động đẹp, ứng xử văn minh hay phong trào tốt của thần tượng được người hâm mộ hưởng ứng, học theo và lan tỏa là điều tích cực. Nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi khi ứng xử phản văn hóa, hành vi tiêu cực của thần tượng có thể tác động ngược trở lại người hâm mộ.
"Cách đây 1- 2 năm, khi có câu chuyện một ngôi sao có sai lầm trong ứng xử, trong nhóm fan của nghệ sĩ, các bạn fan nói rằng anh cứ sai đi, chúng em sẽ sai cùng anh. Điều này rõ ràng rất nguy hiểm cho chính người hâm mộ, đối với chính nghệ sĩ có thể từ sai nhỏ dẫn tới sai lớn. Bản thân người hâm mộ phải có thái độ, trái tim nóng và cái đầu lạnh để xem xét thần tượng của mình đúng sai trong ứng xử, lối sống như thế nào", nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.
Việc yêu thích, ngưỡng mộ ai đó là nhu cầu chính đáng, là quyền tự do cá nhân của một người. Không có một điều khoản nào trong pháp luật cũng như quy tắc đạo đức quyết định rằng cách thể hiện này là đúng, còn cách thể hiện khác là phản cảm, cần phải có chế tài. Đã có bạn trẻ tự tử khi bị ngăn cấm đến với thần tượng, vì vậy với lứa tuổi thanh thiếu niên đang muốn khẳng định mình, ý thức chưa chín thì thay vì cấm đoán, chỉ trích, người lớn phải gần gũi, hiểu tâm tư tình cảm, định hướng để các em dần thay đổi nhận thức. Cá tính của mỗi người nằm ở chiều sâu kiến thức, nhận thức và kinh nghiệm sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!