Festival Huế: nên bớt diễn văn, tăng quảng bá

(Theo Tuoitre)-Thứ hai, ngày 21/04/2014 11:17 GMT+7

Các nghệ sĩ đến từ Cuba đang nồng nhiệt với những giai điệu Mỹ Latin trên đường phố Huế - Ảnh: Tiến Long

Một công dân Huế sống và làm việc tại TP.HCM nhưng thường trở về tham gia các kỳ Festival Huế - nhân vật Tiến Ca trong bài Tôi yêu Festival Huế (Tuổi Trẻ 17-4) - bày tỏ góp ý tâm huyết để kỳ vọng Festival Huế ngày càng chuyên nghiệp hơn.

1. Căn bệnh diễn văn lòng thòng ở khai mạc + bế mạc

Vẫn biết đây là tình trạng chung ở nhiều nơi, nhưng tại sao Huế không là nơi dám thay đổi tư duy làm khác đi. Những bài diễn văn dài lê thê với đầy đủ các loại thưa gửi, kính gửi, tham vọng liệt kê chi tiết mọi chuyện trong thực tế chỉ làm người nghe ngán ngẩm.

2. Chuyên nghiệp hóa hoạt động tình nguyện viên

Phải định nghĩa rõ ràng hoạt động của tình nguyện viên tại các vị trí. Không phải vì tình nguyện viên nên thích thì làm, không thích thì thôi. Theo đó, hạn chế tụm năm tụm ba nói chuyện hoặc tranh thủ chụp hình (thấydiễn ra nhiều ở các sân khấu).

Ví dụ, ở tại các sân khấu, các tình nguyện viên cần phát huy việc giúp đỡ và kêu gọi tinh thần tham gia các hoạt động của khán giả (như việc nhảy, vỗ tay… tạo không khí sôi động), hoặc nhắc nhở khán giả im lặng trong những chương trình cần sự yên lặng tuyệt đối…

Hoạt động của tình nguyện viên cũng cần được giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc. Nếu tình nguyện viên nào làm không tốt có thể cho nghỉ hoặc điều chỉnh.

Một thành phố hướng tới trở thành thành phố festival cần phải có những con người chuyên nghiệp, quy trình chuyên nghiệp.

3. Tăng hướng dẫn, bảo đảm lịch diễn

Ban tổ chức nên có hình thức cung cấp thông tin tối đa về các đoàn/ nghệ sĩ hoạt động/ chương trình biểu diễn chi tiết tại festival giúp người xem tiện theo dõi, cũng như biết nên hành xử như thế nào cho phù hợp.

Ví dụ: khuyến cáo cho người xem biết chương trình A tại Duyệt Thị đường thuộc thể loại A, các tiết mục B với những yêu cầu như không được dẫn trẻ con gây ồn ào vào… cũng giúp người xem biết mình nên đi tìm xem những gì phù hợp. Với báo chí tác nghiệp, cũng có được danh sách chương trình, thuận tiện trong việc viết bài…

Hướng dẫn sử dụng này có thể đăng trên website + phát kèm khi bán vé + dán ở trước điểm biểu diễn + yêu cầu nhân viên/ tình nguyện viên thông tin đến khán giả trước chương trình.

Khi khán giả đã chọn lọc/ sắp xếp chương trình để xem, sẽ rơi vào thế bị động khi lịch diễn đột ngột bị thay đổi.

Nếu có sự thay đổi này cũng cần thông báo càng sớm càng tốt. Ngay tại điểm biểu diễn càng cần lưu ý để người xem biết. Như trong đêm diễn tại Bia Quốc học ngày 19-4, theo thông tin ban đầu đoàn Việt Bắc diễn trước, đoàn Brazil diễn sau. Nhưng thực tế ngược lại mà không nghe thông báo gì, chỉ biết nhờ việc thấy đoàn Brazil đứng chuẩn bị trên sân khấu.

4. Công tác quảng bá tại địa phương

Thực tế công tác quảng bá cho người dân địa phương chỉ mới dừng lại ở mức độ là à, trong dịp này có festival với đoàn này đoàn kia biểu diễn. Chứ chưa cung cấp chi tiết cho người dân theo kiểu giá rẻ rề, có 100.000 đồng mà coi quá trời chương trình trong đêm. Đêm nay tại sân khấu nào có những chương trình gì, vì sao nên coi chương trình đó… Dù vẫn biết đã in trong brochure, tờ rơi… nhưng chỉ ai đến mua vé mới được phát.

Nuôi tinh thần thưởng thức nghệ thuật của người Huế

Ngoài ra trong suốt năm Huế cũng nên tăng cường nhiều hơn hoạt động triển lãm, liên hoan diều, liên hoan ẩm thực, liên hoan chim cảnh… không nên chỉ "bùng nổ" dịp festival. Bên cạnh đó là việc mời gọi các đoàn nghệ thuật trong nước/ quốc tế đến diễn nhiều hơn trong năm cũng là cách để:

- Nuôi tinh thần thưởng thức nghệ thuật/ giải trí của người Huế
- Biến Huế thành một điểm đến giải trí/ thưởng thức nghệ thuật của du khách.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước