Khiêm tốn trước danh xưng và danh hiệu
Kore-eda Hirokazu (Kore-eda - PV) sinh năm 1962 tại Tokyo, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu sự nghiệp điện ảnh từ việc làm trợ lý đạo diễn cho đến đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu cho truyền hình. Bộ phim đầu tay của ông Maborosi (năm 1995), từng tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice gây ấn tượng mạnh mẽ. Đây cũng khởi đầu cho sự nghiệp làm phim kéo dài gần 30 năm với hàng loạt tác phẩm tiêu biểu như After Life (1998), Still Walking (2008), Air doll (2009), Shoplifters (2018), Broker (2022) hay mới đây nhất là tác phẩm được trình chiếu tại Việt Nam, Monster (2023).
Phim của Kore-eda ghi đậm dấu ấn tại các kỳ LHP Cannes, mang về những thành tựu nổi bật trong đó có Cành cọ vàng (phim Shoplifters, 2018), Jury Prize - giải thưởng của Ban giám khảo (Like Father Like Son, 2013), Nam diễn viên xuất sắc nhất (hai lần, với Nobody Knows – 2004 và Broker - 2022), Kịch bản xuất sắc nhất với Monster... Phim của ông thường xoáy sâu vào hiện thực và các vấn đề nhức nhối tại Nhật Bản nhưng vẫn mang tính nhân văn sâu sắc.
Đạo diễn Kore-eda trong cuộc gặp gỡ với báo chí (ảnh: Hoàng Hường)
Với những dấu ấn, thành tựu nổi bật như vậy Kore-eda được mệnh danh là "Bảo vật của điện ảnh Nhật Bản" với số lượng người hâm mộ đông đảo trong nước và quốc tế. Đặc biệt, rất nhiều nhà làm phim, khán giả Việt Nam coi Kore-eda như thần tượng vì ngưỡng mộ, yêu thích cách làm phim về những lát cắt cuộc sống tinh tế, sắc sảo của ông.
Kore-eda bảo rằng, ông rất cảm ơn về những lời khen nhưng cho biết Nhật Bản còn có nhiều đạo diễn giỏi, mong là qua các sự kiện như Liên hoan Phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF) sẽ được khán giả Việt Nam biết đến và yêu mến nhiều hơn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VTV Times xoay quanh những danh hiệu danh giá mà ông nhận được từ LHP Cannes và cách mà những giải thưởng tác động tới quan điểm làm nghệ thuật, đạo diễn Kore-eda cho biết, ông trân trọng những giải thưởng, sự tôn vinh đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên Kore-eda nói rằng, điều đó không có nghĩa ông cứ làm phim, làm nội dung theo những lời khen.
“Khi nhận giải, trong tâm tư, tôi nghĩ nhiều hơn về những phần còn chưa tốt trong chính bộ phim đó và muốn làm lại ở phim khác cho tốt hơn”
Đạo diễn Kore-eda
Thế giới "xám" của Kore-eda
Phim của ông thường xoáy sâu vào hiện thực và các vấn đề nhức nhối như câu chuyện người mẹ bỏ con trong Nobody Knows, nạn buôn bán trẻ em trong phim Broker hay chuyện về một gia đình chuyên đi ăn trộm đồ siêu thị trong Shoplifters. Kể cả khi tâm điểm câu chuyện là những tiêu cực khó bào chữa thì Kore-eda vẫn tìm thấy tính nhân văn trong mỗi nhân vật bằng cái nhìn nhân đạo, không phán xét.
Phim Broker được trình chiếu trong buổi giao lưu “Directorial Symphony” tại Nhà hát thành phố (ảnh: IMDb)
Trước câu hỏi về cách lựa chọn, xây dựng các nhân vật, Kore-eda cho biết, ông không làm phim thuần túy về tốt hay xấu, về thiên đường hay địa ngục mà chọn cách loại trừ "đen" và "trắng" để chọn lấy "màu xám" – biểu tượng của sự giao thoa. Kore-eda bảo rằng, nhân vật trong phim ông chỉ khác nhau về mức độ đậm nhạt trong màu xám ấy mà thôi vì ông cho rằng con người luôn sống trong thế giới như vậy.
Đạo diễn Kore-eda giao lưu cùng khán giả Việt Nam trong sự kiện Directorial Symphony (ảnh: HIFF)
Một điểm đáng chú ý được Kore-eda chia sẻ khi giao lưu với người hâm mộ Việt Nam, đó là cách ông làm việc với các diễn viên nhí. Theo đó, đạo diễn dành rất nhiều thời gian để trò chuyện, chơi cùng với các em nhỏ và không bao giờ đặt ra các "bài tập diễn xuất" để các em luyện tập mỗi khi rời khỏi phim trường.
Chặng đường sự nghiệp may mắn
Cuộc gặp gỡ riêng với báo giới của đạo diễn Kore-eda diễn ra không lâu sau khi ông tới TP Hồ Chí Minh. Dù có phần hơi kiệm lời, cẩn trọng nhưng Kore-eda đã thẳng thắn chia sẻ nhiều vấn đề về con đường làm phim, về cơ hội cho người trẻ cũng như góc nhìn riêng của ông về cách thức tổ chức một Liên hoan phim Quốc tế thành công…
Đạo diễn hàng đầu của Nhật Bản cũng dành nhiều sự động viên cho những người muốn theo đuổi đam mê làm đạo diễn. Dù không phủ nhận những khó khăn, nhất là về tài chính khi làm phim, nhưng Kore-eda có cái nhìn lạc quan, đầy khiêm tốn về nghề. Ông gọi chặng đường hoạt động nghệ thuật 30 năm của mình là may mắn, suôn sẻ. Tuy nhiên công chúng có thể cảm nhận được bản lĩnh đáng nể của vị đạo diễn khi vượt qua những cột mốc khó khăn như khi bạn đồng hành tin cậy qua đời hay công ty riêng phá sản...
Đạo diễn Kore-eda có lịch trình bận rộn ở Liên hoan Phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh, ấn tượng ban đầu của ông là các món ăn Việt Nam rất ngon (ảnh: HIFF)
Kore-eda cũng cho rằng, sự bứt phá sự nghiệp đến từ việc vượt qua những "hàng rào" để tương tác, giao lưu với thế giới. Đó cũng là một trong những lý do thôi thúc đạo diễn quan tâm gửi phim, tham dự các Liên hoan phim. Như với HIFF, với ông cũng là cơ hội để lần đầu tới Việt Nam, giao lưu với khán giả yêu điện ảnh, có thêm trải nghiệm mới cùng một Liên hoan Phim quốc tế lần đầu tiên được tổ chức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!