Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bền vững không thể tách rời vai trò của cộng đồng, chủ thể thực hành di sản. Thực tế, nhiều ý tưởng và cách làm độc đáo đã xuất hiện trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản xuất phát từ cộng đồng, như đội cồng chiêng nữ người Ba Na tại huyện La Pa, Gia Lai là một ví dụ.
Trước thách thức mai một âm nhạc truyền thống trong dòng chảy hiện đại, những người luôn đau đáu với di sản vẫn không ngừng tìm cách để nuôi dưỡng sức sống của âm nhạc Tây Nguyên. Các hoạt động hướng dẫn chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc và truyền dạy tới thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số đang lan tỏa tình yêu tới lớp kế cận, để rồi từ đây sẽ lại có những hạt giống tiềm năng tiếp tục kế thừa, phát huy di sản trong cộng đồng.
"Bản chất của di sản văn hóa phi vật thể là di sản sống, liên tục vận động, thay đổi. Người ta thấy từ xưa được thực hành như thế nào, và giờ muốn đổi mới ra sao thì phải xuất phát từ nhu cầu của người ta, tránh việc những người dân tộc khác can thiệp vào thực hành văn hóa của người dân tộc thiểu số, nên để cộng đồng có những sáng tạo từ nhu cầu, từ điều mà họ coi là bản sắc của họ thì chúng ta mới giữ được hồn cốt, tinh thần và bản chất của di sản", GS.TS Từ Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ.
Việt Nam có 54 dân tộc hội tụ thành bức tranh đa sắc màu về văn hóa, với kho tàng di sản đồ sộ trải dài từ Bắc vào Nam. Việc giáo dục, định hướng cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết về vai trò của mỗi cá nhân trong bảo tồn và phát huy di sản cũng đồng nghĩa với sự bồi đắp niềm tự hào và trách nhiệm với quê hương đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!