Góc nhìn văn hóa: Lan tỏa tình yêu áo dài

PV-Thứ tư, ngày 01/03/2023 15:05 GMT+7

VTV.vn - Áo dài là vẻ đẹp văn hóa truyền thống, là một hằng số để góp phần định vị vẻ đẹp riêng có của người Việt giữa thế giới hội nhập rộng lớn.

Hôm nay (1/3), Tuần lễ áo dài chính thức diễn ra trên toàn quốc. Sự kiện do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Tình yêu với áo dài của phụ nữ Việt chính là chủ đề của Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 1/3.

Nếu Hàn Quốc có hanbok, Nhật bản có kimono thì Việt Nam có áo dài duyên dáng. Tà áo dài đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam, với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân, che bên ngoài chiếc quần dài.

"Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động phụ nữ cả nước hưởng ứng Tuần lễ áo dài từ năm 2019. Khi đó, chúng tôi với suy nghĩ áo dài là một phần của trang phục, nhưng quan trọng hơn nó là một phần của văn hóa Việt Nam. Khi người ta nhìn thấy áo dài thì người ta biết ngay đó là người Việt Nam. Hưởng ứng tuần lễ áo dài, chúng tôi mong muốn góp một phần đưa giá trị của áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", bà Nguyễn Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết.

"Dù đi đâu, xa cách như thế nào thì tất cả người Việt Nam đều mặc áo dài trong những dịp đặc biệt. Điều đó xâm nhập vào trái tim của chúng ta, nên luôn có sợi dây nối gắn chặt mà không thể giải thích được là tại sao chúng ta ở đó. Dù ở đâu thì tà áo dài vẫn mang lại cảm xúc mãnh liệt cho người Việt", nhà thiết kế Thủy Nguyễn chia sẻ.

So với nhiều trang phục truyền thống thì việc mặc áo dài không khiến phụ nữ Việt tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng và thanh lịch. Chính vì vậy, áo dài đã đi vào cuộc sống hàng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, có những cách tân, biến tấu nhưng vẻ đẹp và bản sắc của tà áo dài vẫn được giữ gìn.

Là phụ nữ Việt, ai cũng muốn một lần khoác lên mình tà áo dài dân tộc. Vậy nhưng có những hoàn cảnh éo le chưa đủ điều kiện làm điều đó. Thấu hiểu mong muốn ấy, một dự án mang tên Áo dài không đồng đã ra đời, mang lại nụ cười cho nhiều chị em phụ nữ gặp khó khăn.

Tình yêu áo dài không chỉ thể hiện ở việc giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp truyền thống mà còn được thấy ở việc lên tiếng bảo vệ khi tà áo dài bị xúc phạm. Đó là khi tổng tấn công trang cá nhân của nữ ca sĩ người Mỹ mặc áo dài không quần gay gắt, yêu cầu xin lỗi. Hay là khi một nhà thiết kế người Trung Quốc ra mắt bộ sưu tập trang phục truyền thống nhưng trông y hệt áo dài Việt Nam, công chúng Việt đã tỏ rõ sự phẫn nộ trên các diễn đàn. Những hành động quyết liệt ấy không chỉ bảo vệ một bộ trang phục mà là bảo vệ hồn cốt, bản sắc văn hóa của dân tộc.

"Cải biên, cải tiến quá xa rời nét truyền thống của áo dài dân tộc thì cần được điều chỉnh. Sự điều chỉnh tốt nhất chính là từ dư luận xã hội. Bởi những điều gì thuộc về giá trị biểu tượng của áo dài đã được cộng đồng chấp nhận, đó là chuẩn mực", PGS.TS Phạm Lan Oanh – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ.

Áo dài là truyền thống, văn hóa, quê hương Việt Nam, là một hằng số để góp phần định vị vẻ đẹp riêng có của người Việt giữa thế giới hội nhập rộng lớn. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các địa phương đang nỗ lực lập hồ sơ trình Chính phụ và Quốc hội để công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, tiến xác lập áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước