Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa, phấn đấu đến năm 2030 công nghiệp văn hóa cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với bề dày lịch sử mà hiếm thủ đô nào trên thế giới có được, Hà Nội ngàn năm văn hiến có nhiều thế mạnh phát triển văn hóa.
Là thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, Hà Nội quy tụ những tinh hoa tri thức, nhân tài, nguồn nhân lực lớn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, với gần 6.000 di tích lịch sử, danh thắng; gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, trong số đó nhiều di sản được ghi danh vào danh mục di sản thế giới, quốc gia. Trong 1.350 làng nghề, có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. 6/27 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, kịch nói, cải lương, múa rối… và gần 40 cụm rạp chiếu phim hiện đại. Hà Nội có nhiều lợi thế để bứt phá trong công nghiệp sáng tạo.
Doanh thu ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, thu hút lực lượng lao động nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại. Những con số cho thấy đây là con gà đẻ trứng vàng của các nước xuất khẩu văn hóa toàn cầu như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tại Việt Nam, công nghiệp văn hóa và sáng tạo chiếm khoảng 3% GDP quốc gia. Hà Nội đạt 3,7 GRDP, một con số còn khiêm tốn. Vì vậy, trong số các lĩnh vực, du lịch văn hóa lịch sử được thủ đô đầu tư để tạo bứt phá.
Tháng 5 vừa qua, Hà Nội chính thức ra quyết định công nhận di sản văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Khai thác hành trình khám phá Hoàng Thành Thăng Long về đêm, đặt nền móng cho các sản phẩm du lịch về đêm cùng với tour nhà tù Hỏa Lò, nhà hát múa rối hay khám phá phố cổ, du khách quốc tế thực sự ấn tượng với quỹ di sản văn hóa kiến trúc hòa trộn đặc trưng của Hà Nội. Hiện Hà Nội vẫn chỉ khai thác lợi thế có sẵn, chưa phát triển hiệu quả công nghiệp sáng tạo như thiết kế, kiến trúc, đơn giản như với quà tặng đặc trưng vẫn còn loay hoay tìm kiếm trong khi có hơn 1.300 làng nghề. Điều đó cho thấy cần một chính sách thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô.
TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam
"Công nghiệp văn hóa vẫn đang dừng ở mức khó khăn vì cơ chế, chính sách cho sáng tạo, quỹ đầu tư cho sáng tạo, và khó hơn nữa là tập hợp đội ngũ chuyên gia thẩm định những sáng tạo. Hà Nội cần có thêm học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, cá nhân tôi thấy Hàn Quốc là quốc gia làm rất tốt ngành công nghiệp văn hóa này. Họ khai thác rất tốt các giá trị di sản để tạo nên giá trị mới", TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ.
"Công nghiệp văn hóa còn có ở các đề tài sáng tác nghệ thuật trình diễn. Chúng ta phải đầu tư cho các đạo diễn, nhà sáng tác được nghiên cứu kỹ các di sản và nâng nó lên một giá trị mới, chúng tôi gọi là giá trị gia tăng, giá trị phái sinh. Nó có thể không phải là cốt lõi của di sản được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng nó tạo ra một giá trị mới", TS. Lê Thị Minh Lý nói thêm.
Công nghiệp văn hóa đánh thức tinh hoa, khơi nguồn sáng tạo, vừa tạo ra nguồn thu vừa khẳng định thương hiệu vùng miền quốc gia. Theo chiến lược của Chính phủ, Hà Nội phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa trên toàn quốc. Hai năm liên tiếp, Hà Nội cũng được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!