Hệ lụy từ nghiện mua sắm

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 26/11/2024 15:59 GMT+7

VTV.vn - Lãng phí không ở đâu xa, mà nhiều khi từ chính những quyết định đơn giản, nhỏ nhặt hàng ngày.

Mua sắm vô độ đang dần trở thành một "căn bệnh" của nhiều người, bệnh nghiện mua sắm. Thấy rẻ là mua. Thấy buồn thì mua sắm cho vui. Khi có niềm vui thì mua quà thưởng cho mình. Dịp nào cũng có thể tiêu tiền cả. Mua sắm theo cảm xúc vô hình chung tạo ra sự lãng phí trong đời sống hàng ngày. Tiền bạc luôn là một chủ đề nhạy cảm, ít được nói đến một cách thẳng thắn hay bàn luận trong gia đình do được coi là vấn đề tế nhị và riêng tư. Cũng chính vì thế, văn hóa tiêu tiền cũng chưa thực sự được chú trọng.

Những con số khuyến mại 50-70 thậm chí là 90%, những phiếu giảm giá với số lượng giới hạn, những lời thúc giục từ người quảng cáo là những gương mặt nổi tiếng, có nhiều cách để kích thích mua sắm. Và nhiều người mua sợ bỏ lỡ cơ hội đã hình thành khái niệm mua sắm dựa trên cảm xúc, thay vì mua sắm do nhu cầu như trước đây. Theo các chuyên gia, khi thực hiện hành động mua sắm, vỏ não sẽ sản sinh ra dopamine, làm cho người mua cảm thấy hứng thú, vui vẻ. Chính vì thế nhiều người mua sắm vì thích cảm giác được nhận một món hàng mới chứ không phải vì giá trị sử dụng của nó.

Nghiện mua sắm, được hiểu đơn giản là trạng thái mà một người cảm thấy không thể kiềm chế được nhu cầu mua sắm, dù họ không thực sự cần những món đồ đó. Hành vi này thường đi kèm với cảm giác thỏa mãn tạm thời khi mua sắm, nhưng sau đó lại là sự hối hận, lo lắng về tài chính, hoặc cảm giác trống rỗng. Đôi khi, nghiện mua sắm cũng là một cách để đối phó với stress, cảm giác cô đơn hoặc sự thiếu thốn tinh thần.

“Biểu hiện của việc nghiện mua sắm là chúng ta bị phụ thuộc vào cảm giác mua đồ. Nếu trong 2- 3 ngày hoặc một tuần không mua gì cả thì sẽ cảm thấy khó chịu, bức xúc, mệt mỏi, buồn chán và luôn có cảm giác bức bách là cần phải mua. Lúc này, chúng ta cũng phải đặt câu hỏi liệu chúng ta có bị nghiện mua sắm hay không”, TS. Vũ Thu Phương - nhà nghiên cứu tâm lý cho biết.

Mua sắm là nhu cầu cá nhân, nhưng khi trở thành nghiện, nó lại là câu chuyện về chi tiêu mất kiểm soát và nguy cơ nảy sinh nhiều hệ lụy. Rõ ràng nhất là sự lãng phí, khi đồ mua xong rồi không dùng đến, đó là chưa kể áp lực nợ nần, còn gọi là "bẫy mua sắm" trong cuộc sống hiện đại mà rất nhiều bạn trẻ mắc phải.

Theo Backbase, một công ty Hà Lan chuyên cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng công bố, khoảng 67% người Việt tham gia khảo sát cảm thấy loay hoay về quản lý tài chính. Tỷ lệ này cao thứ hai trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Thái Lan. Trong đó, tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền bạc ở Việt Nam xếp cao nhất trong số 10 quốc gia được khảo sát. Với nhiều người, thách thức lớn nhất trong quản lý tài chính là tiết kiệm.

Việc xuất hiện các hình thức thanh toán mới như trả góp khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu dù trong túi tiền chỉ có vài triệu, với suy nghĩ: còn cơ hội trả nợ phía trước. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, không chỉ lãng phí về tiền bạc và nguy cơ rủi ro tài chính, nhiều người tiêu dùng lãng phí cả sức khỏe và thời gian.

“Nghiện mua sắm cần thiết được liệt vào loại bệnh về tâm lý và phải có sự điều chỉnh, điều trị một cách nghiêm túc. Chúng ta sẽ phải sử dụng các công cụ để hỗ trợ bản thân đạt mục đích như không sử dụng thẻ tín dụng có hạn mức cao, không thanh toán online đơn giản và dễ dàng. Tuyệt đối không cài các ứng dụng tạo điều kiện dễ dàng nhìn thấy các vật phẩm hay đồ dùng không cần thiết nhưng lại tạo cảm giác hưng phấn, dẫn đến hành vi mua sắm. Khi đi chợ và siêu thị thì tốt nhất nên có người đi cùng để liên tục nhắc nhở về việc chúng ta có thực sự cần thiết để mua sắm các vật dụng đó không. Cuối cùng, điều quan trọng hơn hết là ý thức nhắc nhở về con số, sự tiêu dùng là không đủ nếu không có sự quan tâm khác như đọc sách, chơi thể thao, nấu ăn… hoặc thực hiện hành vi giúp đỡ người khác. Những việc này giúp bạn tiêu tốn và tạo cảm giác hưng phấn, có ích hơn với cuộc sống xung quanh. Đó cũng là sự thay đổi tích cực”, nhà báo Vũ Quỳnh Hương chia sẻ.

Nghiện mua sắm không phải chỉ là vấn đề cá nhân, mà là một phần của một nền văn hóa tiêu dùng hiện đại. Mua sắm rất nhiều thứ không cần thiết, để rồi hối hận... Vì vậy, trước khi quyết định mua 1 món đồ, chúng ta hãy luôn tự hỏi liệu mình có thật sự cần nó. Và những cảm giác vui vẻ ngắn ngủi từ mua sắm có đủ để bù đắp cho những hậu quả lâu dài hay không? Lãng phí không ở đâu xa, mà nhiều khi từ chính những quyết định đơn giản, nhỏ nhặt hàng ngày.

Chém gió gió chém: Kinh nghiệm mua sắm trực tuyến Chém gió gió chém: Kinh nghiệm mua sắm trực tuyến

VTV.vn - Mua sắm trực tuyến ngày càng trở thành xu hướng phổ biến với những tính năng không thể phủ nhận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước