Hồ Trung Dũng: Nghệ thuật là đam mê, được làm nghệ thuật là hạnh phúc...

Nguyễn Hà-Thứ sáu, ngày 26/06/2009 23:31 GMT+7

Nhóm bè Cadilac, một nhóm bè hàng đầu Việt Nam, đã “mất” đi 1 thành viên từ lúc Mai Khôi tách ra, và giờ là thành viên thứ hai – Hồ Trung Dũng. Từ bỏ nghề dạy học, Hồ Trung Dũng đang bước đi những bước đầu tiên của con đường âm nhạc với sự bắt đầu từ Hoài Niệm – album đầu tay vừa ra mắt khán giả với sự thấm đẫm của những ca khúc trữ tính, pop- ballard.

Giờ đã đến lúc “ra ở riêng” hay là “không thể ở chung” với Cadilac nữa, thưa bạn?

- Thực sự thì chưa bao giờ mối quan hệ của Dũng và Cadillac tốt như lúc này. Không phải vì trước kia tôi và nhóm có những bất đồng mà vì đến khi tách ra khỏi nhóm thì cả hai bên mới thấy mình thân với nhau như thế nào. Dũng rất tiếc nuối khi không còn được cùng nhóm tham gia những chương trình mà từ trước đến giờ vẫn luôn có sự đồng hành của cả ba thành viên như Bài Hát Việt, Duyên Dáng Việt Nam v.v... Và cũng tin rằng, nhóm cũng tiếc khi Dũng tách ra hát solo. Nhưng không phải vì vậy mà nhóm không ủng hộ cho con đường đi mới của Dũng. Mà ngược lại, trong suốt thời gian chuẩn bị ý tưởng và thực hiện album Hoài niệm, Cadillac đã luôn củng hộ, hỏi han và hỗ trợ mình rất nhiều.

Nếu mọi người để ý thì sẽ thấy Dũng sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện cùng Cadillac, không phải với vai trò như trước kia mà với vai trò những người bạn cùng nhau trình diễn. Vì, mình vẫn luôn mong muốn Cadillac sẽ tiếp tục là một phần trong sự nghiệp sau này của Dũng.

Sự tách ra của bạn ngày hôm nay, có phải là quá muộn không?

- Thật ra khái niệm “muộn màng” rất là tương đối. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Với riêng Dũng, Dũng biết rằng bắt đầu sự nghiệp solo vào lúc này không phải là sớm, nhưng nếu cho Dũng chọn lựa lại, Dũng vẫn sẽ không bắt đầu sớm hơn. Vì với dòng nhạc trữ tình mà Dũng lựa chọn, người ca sĩ cần có một chiều sâu để cảm nhận và truyền đạt được hết ca khúc. Hơn nữa, việc đi hát bè và làm giảng viên trong 5 năm qua là một hành trang rất quý đối với Dũng, nó cung cấp cho Dũng nhiều kỹ năng cần thiết để có thể đi đến thành công. Và cuối cùng, Dũng tin rằng để thực hiện ước mơ của mình thì chẳng bao giờ là trễ cả.

Sự chuẩn bị đó có ý nghĩa rằng bạn chậm mà chắc cũng là một cách khác để thành công thôi không còn là những trò đuổi bắt?

- Tôi nghĩ, đối với mỗi việc đều đó 1 thời điểm thích hợp dành cho nó. Và để đi một con đường mới trong cuộc sống của mình đều cần có 1 sự chuẩn bị. Điều đó sẽ giúp giảm thiểu sự may rủi. Tuy nhiên, đối với con đường mà mình đang đi, sự may rủi đóng một vai trò quan trọng hơn bất cứ một con đường nào khác. Do đó, không thể nói rằng cứ chuẩn bị thật tốt thì ắt sẽ thành công. Tuy nhiên, Dũng tin rằng nếu mình nổ lực hết sức và lao động nghệ thuật bằng chính thực lực thì chắc chắn có được một chỗ đứng trong lòng của khán thính giả.

‘ Nếu so với sự tách ra và solo của Mai Khôi, thì Trung Dũng có vẻ dụt dè hơn và cũng cẩn trọng hơn rất nhiều. Điều đó có nói lên phần nào con người của bạn, thận trọng và không quyết liệt

- Thật ra Dũng chưa hiểu hai chữ “cẩn trọng” và “rụt rè” là xét trên nền tảng nào. Có lẽ do Dũng “không quá ồn ào” chăng. Nếu để tự nhận xét thì “cẩn trọng” có lẽ là có, vì đối với Dũng, đây không phải là một cuộc dạo chơi, còn “rụt rè” thì không hề có, vì nếu “rụt rè” thì tôi đã không dám tách nhóm Cadillac, cũng như xin thôi công chức (giảng viên tại trường ĐHKHXH&NV) để đi con đường mà Dũng luôn luôn muốn đi. Đôi khi, sự quyết liệt của một con người không nằm ở những gì bạn có thể nhìn thấy bằng mắt được.

Đúng là sự quyết liệt không thể hiện bằng mắt nhưng nó cũng có thể là thái độ hay là động lực để đến với một điều gì đó nhân danh đam mê, mà điều đó, rất tiếc, tôi lại không thấy ở bạn?

- Dũng tin rằng mỗi người có một cách thể hiện sự quyết liệt riêng. Và cũng chưa hẳn sự quyết liệt là một giá trị mà mỗi ca sĩ cần phải hướng tới.

Bạn đã thành công với tư cách một người sáng tác trẻ bằng việc đoạt giải Bài Hát Việt 2006, nhưng tại sao, sau 3 năm đoạt giải, Hồ Trung Dũng mới dám tự tin trình làng Album đầu tiên solo? Bạn lo lắng điều gì cho sự khởi đầu qúa muộn đó? Nhìn thấy cơ hội qua đi như vậy, bạn không tiếc sao?

- Tôi tham gia BHV không với mục đích nổi tiếng hay tìm đến sự “thành công” trong mắt người khác, đơn thuần chỉ để tự kiểm định lại chất lượng các bài hát của mình. Nếu thực sự muốn dùng BHV để làm “bàn đạp” đến với việc hát solo thì lúc đó, Dũng đã tự trình bày các bài hát của mình. Đối với tôi, được làm nghệ thuật, được làm những gì mình thích và có được sự đồng cảm từ công chúng là một niềm hạnh phúc, dù cho với vai trò ca sĩ hay nhạc sĩ.

Sự đơn giản hóa hoặc thi vị hóa nghệ thuật dưới hai chữ hạnh phúc như bạn nói sẽ không ẩn chứa bất cứ một tham vọng nào chứ, như điều mà tôi thấy ở rất nhiều ca sĩ khác, cũng có những tuyên bố giống như bạn?

- Nghệ thuật chính là niềm đam mê, được làm nghệ thuật là một niềm hạnh phúc. Vốn nó đã là như vậy, người ta chẳng cần phải thi vị hóa nó lên. Đã chọn con đường ca hát solo, không ai không có tham vọng, không ai không muốn mình được nổi tiếng, tôi cũng vậy. Nếu chỉ đơn thuần muốn được hát, Dũng không cần thiết phải đi theo con đường chuyên nghiệp, hoặc vẫn có thể tiếp tục hát bè. Cái tôi muốn là thực hiện những dự định về âm nhạc mà mình ấp ủ từ lâu, được chia sẻ những thành quả mình làm được với công chúng và tìm được sự đồng cảm từ phía công chúng.

Bằng một ý nghĩ chủ quan, tôi chọn bạn là một hình ảnh mẫu của một “trí thức đi hát”, bạn nghĩ sao về hình ảnh đó và đó có phải là một hình mẫu bạn hướng tới?

- Có thể anh đã cảm nhận đúng, mặc dù đó không phải là một hình mẫu mà Dũng hướng tới. Vì Dũng cảm thấy cụm từ “trí thức đi hát” nghe gần giống như “chân dài đi hát” hay “bác sĩ đi hát” vậy, trong cụm từ đó, việc ca hát dường như chỉ còn là thứ yếu. Dũng muốn là một ca sĩ thực thụ, còn cái “trí thức” mà anh nhắc đến chính là cái nền tảng cho sự nghiệp ca hát, từ việc chọn bài, thể hiện bài hát cho trình diễn. Nếu nói về hình mẫu mà Dũng muốn hướng đến thì đó sẽ là “đơn giản, gần gũi nhưng vẫn có chiều sâu.”

Hình ảnh một trí thức đi hát như thế, với bạn, có phải là sự khác biệt giữa Hồ Trung Dũng và những ca sĩ khác?

- Vâng, Dũng tin là như vậy.

Bạn có thể cụ thể hơn sự khác biệt đó?

- Chính giọng hát, cách hát, cách chọn lựa bài hát và thể hiện chúng là điểm khác biệt. Nhưng cá nhân Dũng nghĩ người ca sĩ đừng nên nói quá nhiều về cái khác biệt, cái “lạ” của mình. Hãy để khán giả làm điều đó.

‘ Vừa đảm bảo con đường ca hát vừa ngay ngắn tác phong giảng viên đại học, hình như điều đó rất khó?

- Không phải đến lúc này Dũng mới đi hát mà đã tham gia ca hát chuyên nghiệp từ 5 năm nay, càng không phải đến lúc này Dũng mới có những tính cách của một người nghệ sĩ. Cá nhân tôi quan niệm rằng dù là ca sĩ hay giảng viên, đó cũng chỉ là một nghề. Và đối với mỗi nghề, cùng với không gian làm việc của nó, người ta nên ứng xử phù hợp với nó. Thật ra, việc vừa là giảng viên vừa là ca sĩ giúp cho Dũng không là một giảng viên lúc nào cũng quá khoảng cách hoặc nghiêm nghị về tác phong hoặc là một ca sĩ quá “màu mè”, kiểu cách.

Cả 2 công việc của bạn đều đòi hỏi sự tập trung cao để thành công, việc song hành cũng có nghĩa là giảm bớt cơ hội thành công?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với anh trong câu hỏi này. Dũng luôn tin rằng trong một giai đoạn của cuộc sống, người ta không nhất thiết phải chọn cho mình chỉ một công việc, nhưng phải xác định cho mình một mục tiêu và trọng tâm. Và đối với Dũng hiện tại thì việc thực hiện ước mơ ca hát của mình chính là mục tiêu và trọng tâm đó.

Bạn có nghĩ rằng, một lúc nào đó, nếu cái tên Hồ Trung Dũng thành công với vai trò ca sĩ, bạn sẽ nghỉ dạy học? Bởi nếu thành công tức là kiếm được nhiều tiền, danh tiếng tăng nhanh, điều mà ở nghề sư phạm bạn không thể có?

- Nếu đi dạy mà lấy chuyện tiền ra làm tiêu chí cho mọi suy nghĩ thì chắn chắn rất ít người có động lực để dạy học. Dũng thích nghề dạy học vì cái cảm giác có thể thay đổi suy nghĩ của một con người, vì nhìn thấy ánh mắt của sinh viên sáng lên khi hiểu ra một điều gì đó, vì những lúc thầy trò ngồi tâm sự với nhau v.v. Đã sống 5 năm qua cho những điều đó, và tôi rất hãnh diện về khoảng thời gian đó. Nhưng như Dũng đã nói ở trên, trong cuộc sống còn rất nhiều điều khác muốn làm, trong đó, ca hát là đam mê lớn nhất từ nhỏ. Đã đến lúc, Dũng dồn hết sức của mình cho việc ca hát. Và nếu việc ca hát chiếm hết thời gian có nghĩa là Dũng không thể bảo đảm được chất lượng của việc dạy nữa thì sẽ ngưng việc dạy học.

Tại thời điểm này, bạn song hành 2 nghề tức là bạn đang chọn giải pháp an toàn để nhỡ có không thành công với âm nhạc, ví dụ thế, bạn vẫn còn bến đỗ nghề dạy học?

- Dũng song hành 2 nghề vì còn yêu thích nghề dạy. Nếu muốn “an toàn”, Dũng đã không xin thôi công chức tại trường. Hiện tại, tôi chỉ dạy học với vai trò thỉnh giảng, không còn là giảng viên cơ hữu nữa. Thật ra, đi hát cũng là một sự đánh đổi, giữa sự ổn định (về vị trí xã hội – giảng viên, về tài chính – từ nhóm bè Cadillac) với sự rủi ro khi tách ra solo, nhưng Dũng tin rằng để thực hiện ước mơ của mình thì đó là một sự đánh đổi xứng đáng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước