Hoạ sĩ Pháp gốc Việt Hom Nguyễn: "Khi về quê hương mình tôi đã khóc mà không rõ lý do..."

P.V (Theo Ngày trở về)-Thứ sáu, ngày 03/02/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hom Nguyễn là một nghệ sĩ Việt sống tại Paris. Hom được biết đến như một trong những nghệ sĩ đương đại nổi bật trong giới nghệ thuật tại Pháp.

Điều đặc biệt ở Hom Nguyễn là anh có một xuất phát điểm không hề thuận lợi. Mặc dù được biết đến như một nghệ sĩ đương đại nổi bật trong giới nghệ thuật tại Pháp với dòng tranh chân dung khổ lớn nhưng Hom lại chưa theo học bất kỳ một khóa học nào về hội hoạ. 

Sau 6 năm ra mắt tác phẩm của mình, vào năm 2021, Hom Nguyễn đã đón nhận Huân chương Công trạng Quốc gia, tước hiệu Hiệp sĩ do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trao tặng vì những cống hiến tích cực cho lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.

Chất Việt Nam trong tranh của Hom Nguyễn hiển hiện qua chủ đề mà anh tâm huyết: đó là những khuôn mặt đậm nét Á Đông truyền thống với những cảm xúc ẩn giấu sau đôi mắt. Sự say mê của Hom Nguyễn khi khắc hoạ những bức chân dung đó được anh lý giải như một cách anh bày tỏ sự tôn kính của anh với mẹ, một phụ nữ Hà Nội, sự gắn bó sâu sắc với cội nguồn và tình yêu mến đất nước Việt Nam mà thuở nhỏ anh đã từng nghe mẹ kể hàng đêm.

Thưởng thức tranh của Hom Nguyễn, ít có ai biết rằng, anh chính là một nghệ sĩ tự học. Phong cách sáng tác của hoạ sĩ Hom Nguyễn là sáng tạo riêng của anh với những nét vẽ đan xen vào nhau đầy phóng khoáng và ngẫu nhiên.

"Những nét vẽ đối với tôi là một con đường. Hội họa đối với tôi là một phương tiện biểu đạt bởi vì tôi không phải người thích nói. Vẽ tranh giúp tôi chia sẻ và thể hiện suy nghĩ của bản thân".

Hom Nguyễn Chia sẻ trong chương trình Ngày trở về số đặc biệt của xuân Quý Mão.

Hoạ sĩ Pháp gốc Việt Hom Nguyễn: Khi về quê hương mình tôi đã khóc mà không rõ lý do... - Ảnh 3.

Một tác phẩm của Hom Nguyễn. (Ảnh: Hom Nguyễn FB)

Hoạ sĩ Hom Nguyễn sinh ra tại Paris. Anh lớn lên với mẹ, một phụ nữ Hà Nội có số phận không may mắn. Mẹ của Hom Nguyễn di cư sang Pháp năm 1970 từng làm phụ việc ở một tiệm cắt tóc. Khi cậu bé Hom Nguyen lên 4, bà gặp tai nạn ô tô và bị liệt, chỉ còn đôi tay là có thể cử động được. Từ đó, Hom Nguyễn phải trưởng thành trước tuổi, vừa chăm sóc mẹ vừa xoay sở kiếm sống trên trên một đất nước xa lạ.

"Lúc nhỏ, tôi luôn quấn quít bên mẹ" - Hom Nguyễn nhớ lại - "Hai mẹ con tôi ở trong căn phòng 13 mét vuông. Khi hết tiền chúng tôi bị cắt nước, cắt điện, và chúng tôi cũng chả có tiền mua quần áo. Đến đồ ăn cũng thiếu thốn".

"Một kỷ niệm buồn với tôi là vào Giáng sinh, khi mẹ tôi nói mẹ chỉ còn chút tiền thôi. Mẹ đưa tôi 10 franc và nói tôi hãy tự đi mua quà cho mình. Mẹ tôi không thể tự di chuyển nên bà không đi mua quà cho tôi được. Ở Paris, các bạn tôi đều có đủ cha mẹ. Tôi ngoài mẹ ra chưa giao giờ biết cha mình ở đâu".

"10 franc mẹ tôi cho tương đương với 1,5 euro hiện nay, số tiền rất nhỏ. Tôi đã để mua bút để vẽ. Nhưng mẹ tôi không vui chút nào. Mẹ tôi hiền nhưng nghiêm khắc. Bà luôn nói với tôi là người Việt Nam thì cần chăm chỉ, ngủ sớm dậy sớm đi học đều đặn".

"Mẹ tôi không muốn tôi trở thành hoạ sĩ, theo con đường nghệ thuật, nhất là khi điều đó chưa biết có mang lại cho tôi một tương lai ổn định hay không".

Hoạ sĩ Pháp gốc Việt Hom Nguyễn: Khi về quê hương mình tôi đã khóc mà không rõ lý do... - Ảnh 4.

Hom đứng cạnh một sáng tác của mình. (Ảnh: Hom Nguyễn FB)

Là người con hiếu thảo, Hom không làm trái ý mẹ. Anh đã làm nghề khác nhau để mưu sinh. Anh đặc biệt thành công với nghề vẽ trên giày, trở thành một thợ patina- người vẽ trên giày nổi tiếng ở Paris.

Nhưng đến năm 40 tuổi, Hom Nguyễn bất ngờ ra mắt công chúng với tư cách một hoạ sĩ. Những người yêu nghệ thuật đương đại tại Paris xếp thành những hàng dài để chờ đợi xem tranh của anh.

Bên cạnh tài năng nghệ thuật, Hom Nguyễn cũng được biết đến là một người đặc biệt năng nổ trong các hoạt động nghệ thuật phi lợi nhuận để hỗ trợ những người nghèo, đặc biệt là những phụ nữ và những trẻ em gặp khó khăn trong cuộc sống.

Ông Guillaume Mariau - Giám đốc truyền thông và gây quỹ Tổ chức Những đứa trẻ vùng Mékong - nói về Hom: "Anh ấy đã vẽ những bức tranh, bao gồm cả bức mà bạn nhìn thấy phía sau, bức này vẽ nhiều em nhỏ. Anh đã tặng bức tranh này cho hội chúng tôi để hỗ trợ các hoạt động. Điều này đã giúp đưa hàng trăm trẻ em đến trường".

Một trong các dự án ý nghĩa của Hom Nguyễn là trực tiếp dạy vẽ cho các thanh thiếu niên ở khoa tâm thần tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière.

"Tôi nhìn thấy mình trong các thiếu niên kém may mắn này. Các em có hoàn cảnh sống giống như tôi khi còn nhỏ".

Hom Nguyễn.

Hoạ sĩ Pháp gốc Việt Hom Nguyễn: Khi về quê hương mình tôi đã khóc mà không rõ lý do... - Ảnh 6.

(Ảnh: Hom Nguyễn FB)

Nói về lý do cho những hoạt động xã hội, thiện nguyện, Hom cho biết: "Ở một thành phố lớn như Paris, ai cũng muốn có được thành công, nhưng điều khó thật khó khăn với những người có xuất phát điểm như chúng tôi. Nhưng tôi đã tìm được chỗ đứng của mình thông qua hội hoạ.Tôi cũng muốn giúp các em tự tin hơn".

TRỞ VỀ...

Khi được hỏi về bước ngoặt thành công của mình, Hom Nguyễn đã chia sẻ đó là một câu chuyện đặc biệt có liên quan đến mẹ anh, đến nguồn cội, đến quê hương Việt Nam của anh.

"Mẹ tôi mất năm 2009, năm đó tôi đã quyết định về Việt Nam. Đó là một trong những chuyến đi đột ngột vì tôi chưa về Việt Nam bao giờ. Tôi vốn nghèo".

"Chuyến trở về đó là một bước ngoặt đối với tôi" - Hom nói tiếp - "Khi về quê hương mình tôi đã khóc mà không rõ lý do, có lẽ vì khi nhìn mọi người tôi thấy mình trong dáng dấp của những người phụ nữ, trong những đứa trẻ, trong cuộc sống và trong nền văn hóa này".

(Ảnh: Hom Nguyễn FB)

"Mẹ tôi đã kể với tôi rất nhiều về Việt Nam như một đất nước của tình yêu, của thơ ca. Đặc biệt là Hà Nội. Một Hà Nội đẹp như thơ, với Hồ Gươm là trung tâm. Mọi thứ ở đây thực sự đã mang lại cho tôi rất nhiều sức mạnh và năng lượng".

Hom Nguyễn không có gia đình tại Việt Nam, nhưng những cuộc gặp  gỡ bất ngờ trên đường phố khiến anh cảm nhận được sự ấm áp của tình người ở quê mẹ. Sự ấm áp đó khiến anh cảm thấy được xoa dịu khỏi nỗi cô đơn và nỗi trống vắng khi người mẹ thân yêu không còn nữa. Sự ra đi của mẹ luôn nhắc nhở Hom Nguyen về giấc mơ nghệ thuật còn dang dở và dòng chảy cảm xúc có được khi về thăm quê hương đã kích thích Hom bắt tay vào vẽ tranh chân dung.

Hom chia sẻ trong chương trình Ngày trở về: "Trong chuyến về Việt Nam đó, tôi đã tìm được chính mình và quay lại Pháp với sức mạnh của quê hương.  Đó cũng chính là khi tôi bắt đầu vẽ tranh. Tôi bắt đầu hình dung lại những điều tôi đã cảm nhận được ở Việt Nam, những khuôn mặt tôi đã nhìn thấy ở Việt Nam để vẽ ra trên toan và giấy".

"Tôi luôn cảm thấy thật gần với Việt Nam dù tôi sống ở Pháp. Có ở đâu thì tôi luôn nhìn thấy cội nguồn Việt Nam của mình qua các bức tranh tôi vẽ. Không hiểu sao tôi thấy người Việt Nam rất đẹp. Tôi đưa điều đó vào các bức vẽ, là đôi mắt, ánh nhìn, là đường nét khuôn mặt".

Hoạ sĩ Pháp gốc Việt Hom Nguyễn: Khi về quê hương mình tôi đã khóc mà không rõ lý do... - Ảnh 9.

(Ảnh: Hom Nguyễn FB)

"Suy cho cùng thì tôi đã nói được tiếng Việt qua tranh của mình. Tinh thần dân tộc tôi trong các bức tranh. Là vì tôi không thể thay đổi. Nguồn gốc của tôi, cội nguồn của tôi mãi là đây".

Hom Nguyễn.

Trong hành trình hơn một thập kỷ đi theo chấp niệm nghệ thuật của mình, Hom Nguyen dần được thế giới công nhận. Anh đã được mời vẽ cựu Đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ – Michelle Obama cho quỹ UN Women, bức chân dung của bà cũng là bìa cho tạp chí Vogue. Ngoài ra, tác phẩm của anh cũng đã được trưng bày tại Grand Palais – là "Khải Hoàn Môn" trong giới nghệ thuật tại Paris và được cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande không tiếc lời khen ngợi trong lần thưởng tranh vào năm 2016. Năm 2022, anh nhận Huân chương Công trạng Quốc gia, tước hiệu Hiệp sĩ do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trao tặng. Có rất ít nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại được nhận danh hiệu này.

(Ảnh: Hom Nguyễn FB)

"Chúng tôi đã hợp tác với Hom Nguyễn tổ chức một cuộc triển lãm - đấu giá cùng với những nghệ sĩ khác. Điều tôi thực sự thích ở anh ấy là tính cách cũng như sự hào phóng tuyệt vời của anh ấy" - Trung tướng Christophe Abad, Thống đốc quân sự của Paris, cộng hoà Pháp.

Bà Ghada Hatem - người sáng lập Tổ chức "Mái nhà dành cho phụ nữ ở Saint-Denis" nói về Hom Nguyễn: "Tôi chắc chắn rằng mẹ của Hôm không chỉ tự hào về những gì con trai mình đã làm được mà tôi nghĩ nếu tôi là bà, tôi cũng sẽ tự hào vì con mình đã không chối bỏ bất cứ điều gì trong quá khứ của mình".

Hoạ sĩ Hom Nguyễn trong Gala Ngày trở về: Quê hương dẫn lối ta về

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Hom Nguyễn

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước