Hội nghị văn hoá toàn quốc: Mang tính thời sự, nhiều kỳ vọng từ xã hội

Gia Huy (Báo Chính phủ)-Thứ hai, ngày 22/11/2021 10:30 GMT+7

Chương trình "Niềm tin và khát vọng" - một chương trình chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc. (Ảnh: Báo Tổ quốc)

VTV.vn - Hội nghị văn hoá toàn quốc sắp diễn ra đang là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội, cho thấy tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hoá.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về Hội nghị văn hoá toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11 sắp tới.

Hội nghị văn hóa toàn quốc với mục tiêu quan trọng, xuyên suốt là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa sẽ diễn ra trong vài ngày tới đây. Theo ông, hội nghị có tầm quan trọng như thế nào trong công cuộc đổi mới hiện nay?

Ông Phạm Quang Nghị: Việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc với mục tiêu quan trọng, xuyên suốt là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa là một sự kiện quan trọng và là một tín hiệu đáng mừng.

Để thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của Đảng, chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc với những chủ đề khác nhau. Nhưng hội nghị toàn quốc về văn hoá là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của những người trong lĩnh vực văn hoá mà còn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Điều đó, tự nó nói lên tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đang đặt ra những vấn đề cấp thiết mà xã hội kỳ vọng.

Hội nghị văn hoá toàn quốc: Mang tính thời sự, nhiều kỳ vọng từ xã hội - Ảnh 1.

Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như các Nghị quyết chuyên đề, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hoá; của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh; là động lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bác Hồ nói: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi", khó có cách diễn đạt nào hay hơn để nói về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá.

Chúng ta luôn nhấn mạnh con người giữ vị trí trung tâm, mọi chủ trương, chính sách cần phải hướng tới; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng đất nước. Ở Hội nghị sắp tới, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới đã có những thành tựu gì về văn hóa, cũng như những yếu kém gì đang tồn tại.

Để xây dựng và phát triển đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta nhất định phải dựa vào, phải phát huy nguồn lực tiềm tàng vốn có - nguồn lực nội sinh văn hoá, con người Việt Nam.

Trong đấu tranh để chinh phục và cải tạo tự nhiên, trong chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, ông cha ta và thế hệ chúng ta luôn dựa vào nguồn sức mạnh nội sinh ấy. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, càng phải dựa vào nguồn lực dồi dào vô tận ấy của chính chúng ta.

Văn hoá của dân tộc là kết tinh quá trình hoạt động thực tiễn

Chúng ta cần giữ gìn như thế nào khi đã xác định triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới?

Ông Phạm Quang Nghị: Theo suy nghĩ của tôi, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam đã được hình thành qua trường kỳ lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc.

Những giá trị ấy cần được tiếp tục giữ gìn, bồi đắp và phát huy chứ không phải đến hôm nay chúng ta mới bắt tay vào xây dựng và sáng tạo. Đôi khi, có người còn mong "bao giờ cho đến ngày xưa" bởi họ nuối tiếc cái hay, cái đẹp về văn hoá của dân tộc có thể bị phai nhạt, mất đi. Thực tế, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá của dân tộc là sản phẩm kết tinh của quá trình hoạt động thực tiễn lâu dài chứ không phải là sản phẩm ra đời từ tư duy, ý tưởng của các nhà lý luận. Những giá trị ấy dân tộc ta đã có, và bây giờ chúng ta cần kế thừa và phát triển hơn nữa.

Chúng ta không phải tìm kiếm đâu xa, trong kho tàng ca dao, tục ngữ có đầy đủ những gì cần phải giữ gìn, học tập và phát huy: "Bầu ơi, thương lấy bí cùng", "Thương người như thể thương thân", "Một cây làm chẳng nên non", "Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn"… Đấy là hệ giá trị quốc gia, là văn hoá, là đạo đức, là cội nguồn sức mạnh của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Bên cạnh những giá trị, truyền thống được nhân dân đúc kết, còn là những giá trị văn hoá, tinh thần được các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá tổng kết và sáng tạo nên.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới rộng mở, ai cũng có thể học hỏi được những cái hay, cái đẹp của nhân loại và tránh được những cái cần phải tránh. Thế giới rộng mở nhưng gia đình luôn là nơi nuôi dưỡng và gìn giữ văn hóa dân tộc, giá trị gia đình truyền thống căn cốt vẫn cần được gìn giữ và phát huy.

Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục chủ trương: "Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam", việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa ứng xử trong gia đình và trong cộng đồng, giúp mỗi gia đình thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại.

"Sức mạnh mềm" sẽ phát huy trong quá trình đổi mới, hội nhập

Vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc ngày càng trở nên quan trọng đối với các quốc gia - dân tộc. Chúng ta cần làm thế nào để gìn giữ được bản sắc văn hóa, phát huy "sức mạnh mềm" này trong quá trình phát triển và hội nhập?

Ông Phạm Quang Nghị: Ông cha ta có lòng tự hào, tự tôn về văn hoá rất mạnh mẽ. Lý Thường Kiệt đã từng tuyên bố: "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư…"; Nguyễn Trãi tự hào với truyền thống, vị thế tự cường của một dân tộc "Vốn xưng nền văn hiến đã lâu", Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ với lời tuyên ngôn bất hủ: "Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng… Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".

"Sức mạnh mềm" về văn hoá là khái niệm tuy mới nhưng trong thực tiễn nguồn lực văn hoá tiềm tàng, nội sinh trong lòng dân tộc đã có từ nghìn đời nay.

Chúng ta đã có không ít những giá trị "sức mạnh mềm" lan toả, góp phần vào kho tàng văn hoá chung nhân loại. Từ thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới càng thêm khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển. Phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Chắc chắn những giá trị vốn có ấy của dân tộc sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Chúng ta cũng cần phòng, tránh sự cực đoan. Bảo tồn giá trị văn hoá hoặc bổ sung, tiếp thu đều cần phải chọn lọc. Đó là một quá trình phát triển, đổi mới, học tập và tiếp thu không ngừng, tự làm giàu cho bản thân và góp phần lan toả ra thế giới.

Phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung chứ không phải chuyện riêng của ngành văn hóa và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa. Vậy chúng ta cần làm thế nào để khơi dậy sự quan tâm đến văn hóa và phát triển văn hóa của toàn xã hội?

Ông Phạm Quang Nghị: Đảng ta luôn đặt phát triển văn hoá, xây dựng con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Xét đến cùng, mọi chủ trương, chính sách đặt ra đều vì con người, cho con người và do con người thực hiện. Do vậy, sự nghiệp phát triển văn hoá, xây dựng con người phải là của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Nhưng trong hệ thống ấy cần có sự phân công, có các cơ quan chịu trách nhiệm phân bổ các nguồn lực đầu tư, có cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện. Có cơ quan phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Có cơ quan chăm lo, khuyến khích đội ngũ những người lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ…

Để có sự quan tâm phối hợp đồng bộ, cần phải có sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Phải có các cơ chế, chính sách phù hợp mới có thể huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Hiện nay, chủ trương, chính sách đã được nêu, được ban hành đầy đủ trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vấn đề quan trọng là thống nhất nhận thức và việc tổ chức, phối hợp của hệ thống các cơ quan thực hiện để sớm đưa các chính sách vào cuộc sống vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ bàn về xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ bàn về xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam

VTV.vn - Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra và sẽ được bàn thảo sâu hơn trong Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước