Hồi sinh nghệ thuật chèo trong dòng chảy đương đại

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 12/01/2023 13:32 GMT+7

VTV.vn - Chèo đang không chỉ được cha truyền mà còn ngân vang ở các câu lạc bộ tại làng quê, lan tỏa đến trường học.

Tết đến Xuân về, trên nhiều miền quê Bắc Bộ, các chiếu chèo lại rộn ràng chuẩn bị lên đèn. Các nhà hát sẵn sàng chương trình biểu diễn. Bao đời nay, những điệu chèo đã ăn sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần Bắc Bộ. Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian từ thế kỷ thứ X. Tới thế kỷ XVIII, hình thức chèo đã được phát triển mạnh ở các vùng nông thôn Việt Nam, đạt được đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ XIX. Chèo miêu tả khát vọng sống của người dân nông thôn. Nội dung của các vở chèo lấy từ chuyện cổ tích, chuyện nôm được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu, mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Lối chèo thường diễn những việc vui cười, những thói xấu của người đời như Quan âm thị kính, Thầy mù…

Tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lập hồ sơ di sản với nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng, đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Từ đó tới nay, nhiều hoạt động tích cực được triển khai. Với 27 vở diễn, gần 1.500 nghệ sĩ diễn viên, nhạc công của 16 đơn vị nghệ thuật, Liên hoan chèo toàn quốc 2022 là ngày hội tạo đà hướng tới di sản văn hóa thế giới. Tại Thái Bình, Nhà hát chèo tỉnh đang được ưu tiên thực thi đề án bảo tồn nghệ thuật chèo để phối hợp hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO, còn tại Ninh Bình, làn điệu chèo đang được chính người dân gìn giữ, lan tỏa. Mỗi địa phương với các cách làm khác nhau đang giúp làn điệu chèo ngân vang trên những miền quê hạnh phúc.

Dễ nhận ra sức sống của nghệ thuật chèo trong đời sống người dân hôm nay, đặc biệt tại các miền quê. Song để có được sự tiếp nối bền chặt như vậy, không thể bỏ qua những giải pháp đồng bộ từ các địa phương, đặc biệt là việc phát huy vai trò của các nghệ nhân, nghệ sĩ trong truyền dạy, hồi sinh nghệ thuật dân tộc trong dòng chảy đương đại.

Nghệ nhân chính là người thầy, giúp đào tạo thế hệ trẻ theo học nghệ thuật hát chèo, tạo nguồn nhân lực văn hóa văn nghệ ở địa phương. Chèo không chỉ được cha truyền mà còn ngân vang ở các câu lạc bộ tại làng quê. Chèo còn được lan tỏa trong trường học khi nội dung tìm hiểu nghệ thuật chèo trở thành một phần của chương trình học địa phương, điển hình như tại Yên Khánh, Ninh Bình.

Ngành văn hóa địa phương và người dân đang nỗ lực để sớm đưa nghệ thuật chèo – bộ môn kịch hát dân tộc – được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đây, văn hóa, con người, đất nước Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Hồng nói riêng sẽ được quảng bá ra thế giới nhiều hơn.

NSND Thanh Ngoan - Từ chiếu chèo đến giảng đường NSND Thanh Ngoan - Từ chiếu chèo đến giảng đường

VTV.vn - Sau 43 năm, NSND Thanh Ngoan giờ đã có nhiều thời gian hơn cho những điều khác ngoài chiếu chèo. Đó là những lớp học để truyền lửa nghề, đam mê nghệ thuật truyền thống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước