Cách đây hơn 3 tuần, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng tới Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc gỡ vướng cho hoạt động kinh doanh karaoke. Trước đó, các doanh nghiệp kinh doanh karaoke các tỉnh, thành phố đã ký đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, các Bộ trưởng nêu ra nhiều bất cập, khiến kinh doanh karaoke rơi vào bế tắc. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có động thái cụ thể, việc các cơ sở kinh doanh chưa đảm bảo đủ điều kiện an toàn kinh doanh vẫn sẽ phải đóng cửa, để tránh hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng, vẫn có những cơ sở bất chấp các quy định để lách luật, mở dịch vụ karaoke trái phép.
"Mang karaoke cắm vào một loại hình khác như quán ăn, phòng thu nhưng vẫn là hoạt động karaoke tại đúng cơ sở đó, chỉ khác là không treo biển, không công khai đón khách thì nó là hoạt động chui. Nó vẫn bị xử lý như bình thường", luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ.
Có thể thấy, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ karaoke đang tìm nhiều cách khác nhau để vẫn có thể ngấm ngầm hoạt động. Ngoài những hình thức trá hình như quán cà phê, quán ăn…, hiện nay còn xuất hiện một hình thức khác, được giới thiệu công khai trên các nền tảng mạng xã hội, với tên gọi là Music Box. Điểm chung là các cơ sở bên trong gồm nhiều phòng nhỏ sát nhau, lối đi chật hẹp, trong phòng có hệ thống tường cách âm đơn giản, màn hình karaoke kết nối với micro và loa để khách hát, bàn ghế ngồi. Với giá 30.000 – 50.000 đồng/giờ, loại hình kinh doanh này đang được đầu tư. Có thương hiệu đã mở 2 – 3 cơ sở tại Hà Nội, thu hút nhiều người trẻ sử dụng. Họ gọi đây là karaoke mini.
Tại Hội nghị đánh giá việc triển khai Nghị định 54 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được tổ chức vào mới đây, một trong những vấn đề nổi cộm được các địa phương nhắc đến chính là biến tướng trong kinh doanh karaoke. Một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng sơ hở thiếu chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật để lách luật. Nhiều quán karaoke chuyển sang loại hình nhà hàng ăn uống, quán cà phê nhưng thực chất là kinh doanh karaoke. Những loại hình biến tướng nhằm trốn tránh thực hiện quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về an ninh trật tự gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của Nhà nước.
Việc một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trái phép một mặt thách thức quy định của pháp luật, mặt khác gây ra sự bất bình đẳng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke khác khi họ đang phải chấp nhận ngừng hoạt động để nỗ lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nhiều cơ sở khác vẫn hoạt động được nhờ vào lách luật. Điều cần hiện tại là sớm bổ sung những quy định của pháp luật để quản lý những loại hình kinh doanh karaoke trá hình.
Mặt khác, các địa phương cũng cần sớm rà soát lại các quy định để giải pháp gỡ vướng cho các doanh nghiệp kinh doanh loại hình karaoke, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn phòng cháy chưa cháy. Cả nước hiện có hơn 20.000 cơ sở kinh doanh karaoke được cấp phép hoạt động. Trong những năm qua, ước tính các cơ sở đã bỏ ra 75.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường và bar. Các địa phương cần đảm bảo việc cấp phép hoạt động mới và mở cửa trở lại các cơ sở này thông suốt, minh bạch, đúng quy định và thuận lợi, tránh làm khó doanh nghiệp khiến họ phải lách luật để tồn tại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!