Tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam, những tinh hoa thổ cẩm của nhiều dân tộc thiểu số tại các tỉnh thành được trưng bày, giới thiệu. Với đồng bào dân tộc, thổ cẩm không chỉ là trang phục quen thuộc mà còn là một yếu tố quan trọng trong bản sắc văn hóa, phản ánh cả tình yêu thiên nhiên, yêu lao động của mỗi tộc người.
Đến với lễ hội, du khách sẽ được trực tiếp xem các nghệ nhân dệt nên những tấm vải thổ cẩm đặc sắc. Người dân địa phương vốn lâu nay miệt mài dệt vải tặng người thân, chỉ quen nương rẫy, nay đã nhận ra triển vọng sinh kế từ chính nghề dệt truyền thống của cha ông để lại.
Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam cũng là nơi giúp các nhà thiết kế trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân, chắp cánh cho những ý tưởng phát huy giá trị của thổ cẩm, mang lại cho thổ cẩm sức sống đương đại. Nhiều giải pháp nâng tầm giá trị thổ cẩm Việt cũng được đưa ra như cải tiến công nghệ dệt, bảo tồn và phát huy hóa văn thổ cẩm gắn với phát triển kinh tế, tạo mối liên kết giữa nhà đầu tư với các nhà thiết kế, nghệ nhân, khơi dậy tinh thần tự hào và nét đẹp của thổ cẩm trong giới trẻ hiện nay.
Với chủ đề Tinh hoa phương Đông, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh con người Đắk Nông, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống phong phú, cùng tiềm năng thế mạnh trong phát triển du lịch, đặc biệt là gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Đây là lần thứ 2 Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam được tổ chức. Trong dịp này, tỉnh Đắk Nông cũng vinh dự đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!