Trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật múa rối đã gắn liền với lịch sử dân tộc, với nền văn minh lúa nước lâu đời, thể hiện bản sắc, con người Việt Nam. Ngày nay, dưới sự tác động của nhiều yếu tố, chúng ta đang chứng kiến sự mai một ít nhiều của các trò rối cổ. Hơn 400 trò rối, nay chỉ mới phục dựng và biểu diễn thường xuyên 17 trò, có những con rối đã rơi vào quên lãng. Điều may mắn là vẫn có các chuyên gia bảo tồn văn hóa, nghệ nhân cần mẫn bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc.
Việt Nam hiện có 18 phường rối và 23 nhà hát múa rối nước đang hoạt động. Được sự hỗ trợ của địa phương, các phường rối hiện đã có nơi biểu diễn khang trang, được đầu tư trang thiết bị biểu diễn, bảo tồn các con rối. Để nghệ thuật múa rối sống được và cạnh tranh trong đời sống hiện đại, các nghệ sĩ đã có nhiều sáng tạo, xây dựng những tác phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành múa rối còn phải đối mặt với một vấn đề khác là thiếu trầm trọng đội ngũ kế cận. Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội liên tiếp nhiều năm rơi vào cảnh khó tuyển sinh chuyên ngành múa rối. Nỗ lực duy trì ngành học, trường buộc phải vận động ban tuyển sinh của các ngành khác tư vấn một số sinh viên chọn thêm ngành khác là diễn viên rối. Nhưng kết quả không mấy khả quan. Vì lẽ đó, năm học 2023 – 2024, trường quyết định không tuyển sinh ngành diễn viên rối. Tình trạng trắng sinh viên tiếp diễn.
Tre già mà măng chưa mọc, để bù đắp số lượng nghệ sĩ thiếu hụt, nhiều nhà hát phải chuyển người từ những ngành nghệ thuật biểu diễn khác sang, rồi đào tạo tại chỗ. "Nếu cứ tình trạng này, dần dần sẽ mai một, thế hệ kế cận không có nữa thì lấy đâu ra người tâm huyết để làm được. Đó là một mối lo", TS. Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội cho biết.
Năm nay, lần đầu tiên Cuộc thi tài năng múa rối được tổ chức. Cuộc thi thu hút sự tham gia của 20 diễn viên, đại diện 5 đoàn nghệ thuật, với tiết mục được dày công dàn dựng. Có thể thấy, cả cơ quan quản lý Nhà nước và các nghệ sĩ đều đang nỗ lực bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này. Còn với mỗi người dân, dành thời gian đưa ra gia đình đến xem nghệ thuật múa rối cổ truyền là cách ủng hộ thiết thực nhất với nghệ thuật múa rối và các diễn viên. Sự động viên là những tràng pháo tay của khán giả là sự cổ vũ lớn nhất với họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!