Thời trang là một trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa mũi nhọn được xác định tập trung đầu tư phát triển. Trong những năm gần đây, thời trang Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển của đất nước.
Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, phần lớn các nhà thiết kế thời trang xuất hiện mang tính chất tự phát, với rất ít trường đào tạo chuyên nghiệp. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 20 trường đại học, cao đẳng có bộ môn thiết kế thời trang. Những sinh viên ngành này đã trải qua sự rèn luyện sáng tạo ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, trước khi dấn thân vào nghề.
Một thị trường năng động với đại đa số người tiêu dùng là người trẻ tuổi, Việt Nam đang là điểm đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp thời trang trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% sinh viên ra trường đáp ứng đòi hỏi của người sử dụng lao động ở ngành này. Bài toán đặt ra là làm sao để ngay từ trên ghế nhà trường, đội ngũ nhân lực ngành này được đào tạo cả 2 tố chất căn bản của nhà thiết kế hiện đại. Đó là có tư duy sáng tạo nghệ thuật và biết ứng dụng trong kinh doanh thời trang. Đây là thách thức của ngành trên bước đường trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
Nhiều cơ sở đào tạo ngành thiết kế thời trang hiện đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất đào tạo, nhất là những trường công lập, vốn phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp. Cùng với đó, có những trường có chương trình đào tạo lỗi thời, học chưa đi đôi với hành khiến nguồn đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Với một sản phẩm thời trang, thiết kế chiếm 30%, còn lại là marketing và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các cơ sở đào tạo đều có môn marketing thời trang, kinh doanh thời trang nhưng thời lượng học môn mới chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản. Một số khâu dịch vụ sau bán hàng, định giá sản phẩm, xác định giá trị cho sản phẩm chưa có. Điều này cho thấy khâu kết nối giữa cung và cầu hiện đang yếu.
Việt Nam đứng top 3 về gia công thời trang của thế giới. Trong khi các thương hiệu thiết kế riêng trong nước vẫn vô cùng nhỏ lẻ. Đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định để trong tương lai, ngành công nghiệp thời trang có được những thương hiệu made by Vietnam trên thị trường quốc tế, thay vì chỉ gia công sản phẩm như hiện nay.
Những năm gần đây, không ít nhà thiết kế Việt đã đưa tên tuổi của mình đến với làng thời trang thế giới như Công Trí, Lê Thanh Hòa, Minh Hạnh, Lâm Gia Khang… Để đạt đến sự chuẩn mực của một ngành công nghiệp thực thụ, mang về lợi ích kinh tế, văn hóa như các quốc gia khác, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để thay đổi, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhất là đội ngũ người làm thời trang Việt Nam phải có sự chuyển mình mạnh mẽ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!